Dường như linh cảm về cái chết đến gần, voi mẹ đang mang thai đứng yên dưới dòng sông không nhúc nhích, ngâm vòi và miệng đã bị thương nặng dưới làn nước, dù đội cứu hộ nỗ lực đưa nó lên bờ.

Một nghệ sĩ làm bức tượng hai mẹ con voi bằng cát để tưởng nhớ con voi mẹ đã chết – Ảnh: dnaindia

Voi mẹ chết trong tư thế đứng lúc 16h ngày 27-5 ở một huyện nhỏ tại Ấn Độ, nhưng câu chuyện đã được kể lại. Kể lại giây phút cuối của voi mẹ 15 tuổi, nhân viên kiểm lâm Mohan Krishnan kết luận voi mẹ thiệt mạng vì… tin con người.

Nó ăn nhầm một quả dứa chứa thuốc pháo. Vụ nổ ngay trong miệng gây ra những vết thương đau đớn. Bài viết trên Facebook của Mohan được chia sẻ khắp cả nước, thậm chí vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ.

Quả dứa chứa pháo

Trong rất nhiều vụ đối xử thô bạo, tàn nhẫn với động vật, đây có lẽ là một vụ việc điển hình. Cái chết của một con voi đang mang thai với những đau đớn tận cùng về thể xác khiến người ta không thể không xót thương, giận dữ.

Theo kiểm lâm viên Mohan, con voi tội nghiệp không hề tấn công một người dân hay phá ngôi nhà nào khi nó đau đớn chạy trên đường làng. Nó tìm đến dòng sông để dòng nước làm dịu đi phần nào vết thương.

Theo báo India Today ngày 5-6, cảnh sát và kiểm lâm địa phương đang phối hợp điều tra vụ việc và tập trung vào 3 cá nhân có liên quan. Nhà chức trách cam kết sẽ làm mọi thứ để đưa thủ phạm ra công lý.

Báo cáo khám nghiệm tử thi sơ bộ ngày 4-6 cho biết voi mẹ chết do đuối nước. Nó hít vào quá nhiều nước dẫn đến suy phổi và đây là nguyên nhân gây tử vong trực tiếp. Báo cáo cũng xác nhận có các vết thương lớn trong khoang miệng con voi gây sốc nhiễm khuẩn cục bộ.

“Có thể đã xảy ra một vụ nổ trong miệng. Do bị thương nặng, con vật đã không thể ăn uống trong gần hai tuần. Suy nhược nghiêm trọng và yếu sức làm con vật ngã xuống dòng nước và chết đuối”, báo cáo viết.

Khi đưa xác con voi đi hỏa táng, bác sĩ pháp y buồn bã nói: “Nó không cô đơn”. Kiểm lâm viên Mohan lúc này mới biết con voi đang mang thai. Voi con đã mãi mãi không thể chào đời vì sự tàn nhẫn và ích kỷ của con người.

Voi cần sống

Prakash Javadekar, bộ trưởng liên bộ Môi trường, rừng và biến đổi khí hậu – Thông tin và truyền thông, công nghiệp nặng và doanh nghiệp nhà nước của Ấn Độ, sau đó viết trên Twitter: “Chính quyền trung ương quyết liệt làm rõ vụ giết voi ở huyện Malappuram, tỉnh Kerala. Chúng ta sẽ không để sự việc chìm xuồng. Giết chóc và cho động vật ăn thuốc pháo không phải là văn hóa của Ấn Độ chúng ta”.

Trong lúc đó, cô Maneka Sanjay Gandhi, nhà hành động vì môi trường và bảo vệ quyền động vật, chỉ ra rằng huyện Malappuram, nơi voi mẹ bị giết, vốn nổi tiếng với những vụ việc tội ác liên quan đến động vật. Cô cáo buộc vì không có hành động đủ mạnh chống lại những tay săn trộm hay những kẻ giết hại động vật hoang dã nên những đối tượng này nhởn nhơ tiếp tục hành vi của mình.

Người dân Ấn Độ cũng đồng lòng kêu gọi không để cái chết đau đớn của voi mẹ trở nên vô nghĩa, đòi hỏi một giải pháp cho xung đột giữa con người và thế giới động vật hoang dã.

Không chỉ ở Ấn Độ mà trên khắp thế giới, xung đột về môi trường sống giữa voi và người cũng là vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo. Con người đang lấn chiếm, phá rừng, khai phá đất rừng để trồng trọt, làm nhà ở những nơi vốn là môi trường sống của voi. Mất nơi sinh tồn, bị căng thẳng, voi xuống vườn, rẫy tìm thức ăn, thậm chí quật chết người.

Câu chuyện “voi giết người – người giết voi” xảy ra nơi này nơi khác, nhưng hậu quả tất yếu là voi bị giết nhiều hơn vì con người có nhiều cách để chủ động tự bảo vệ.

Tại nhiều hội thảo về bảo tồn, các chuyên gia cảnh báo nếu không nhanh chóng thúc đẩy các hành động cụ thể, loài voi khó tránh được tuyệt chủng trong tương lai không xa. Bảo vệ các khu vực rừng bảo tồn, duy trì những hệ sinh thái phù hợp với quần thể động vật rừng, giáo dục và tuyên truyền để người dân khai thác rừng đúng luật, bền vững là những giải pháp được khuyến cáo.

Động vật giỏi giao tiếp

Theo Scientific America, voi là loài động vật có bộ não lớn nhất trong thế giới động vật. Chúng là một trong những loài động vật thông minh, có giao tiếp xã hội và sự đồng cảm nhiều nhất. Trong tự nhiên cũng như trong các khu bảo tồn, voi nuôi dưỡng và giáo dục con non. Voi con học cách tôn trọng cha mẹ.

Nguồn: Tổng hợp