Cục CSGT cho hay tài xế khai báo gian dối để xin cấp lại bằng lái xe sẽ phải đi học lại lý thuyết và thực hành từ đầu.

Ngày 9/7, trung tá Vũ Anh Điệp, Phó phòng Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT, cho biết 6 tháng đầu năm, CSGT toàn quốc xử lý trên 1,7 triệu tài xế vi phạm luật, qua đó tước 150.000 bằng lái xe các loại.

Theo quy định của Nghị định 100, người vi phạm sẽ bị tước bằng lái tối đa 2 năm. Do đó, một số tài xế đã giả khai báo mất giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe để xin cấp lại.

“Mục đích của việc làm này là sau khi nộp phạt, người vi phạm vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe để tiếp tục điều khiển phương tiện”, đại diện Cục CSGT cho hay.

abb9ef785d3bb465ed2a

CSGT sẽ dùng nhiều phương pháp để xác minh tài xế giả báo mất bằng lái xe. Ảnh: Hồng Quang.

Theo trung tá Điệp, để phát hiện các trường hợp khai báo gian dối hoặc sử dụng giấy tờ giả, lực lượng chức năng sẽ dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh tài xế mất giấy tờ thật hay giả.

Về biện pháp kiểm tra, CSGT cho biết các đơn vị có chức năng xử phạt vi phạm giao thông có trách nhiệm nhập toàn bộ dữ liệu của việc xử phạt trong ngày lên hệ thống quản lý của Cục CSGT.

“Hệ thống này được liên kết với một số cơ quan liên quan, trong đó có Sở GTVT các địa phương”, đại diện Cục CSGT nói và cho biết trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát được những tài xế đã bị tạm giữ bằng lái, tránh việc người vi phạm khai báo gian dối.

Ngoài ra, Cục CSGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan chức năng địa phương đã chia sẻ dữ liệu về giấy phép lái xe để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm.

Khoản 6, Điều 36 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định, thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch. Thời gian cấp lại giấy phép lái xe thực hiện như đối với cấp mới. Cơ quan cấp lại giấy phép lái xe cho các trường hợp bị mất phải gửi thông báo hủy giấy phép lái xe cũ tới các cơ quan liên quan.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết pháp luật hiện hành đã có quy định về chế tài xử lý hành vi khai báo gian dối về bằng lái xe và các giấy tờ khác.

Theo luật sư, người nào khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại giấy phép lái xe, sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, quy định tại điểm g, Khoản 3, Điều 37 Nghị định 100.

Khoản 14, Điều 33 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT cũng quy định người tẩy xóa thông tin trên giấy phép lái xe; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới bằng lái sẽ không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm.

Nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe sẽ phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.

Thậm chí, luật sư nhấn mạnh nếu làm giả hoặc sử dụng bằng lái xe hay giấy tờ giả khác liên quan đến việc lái xe thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo Điều 341 Bộ luật hình sự, người phạm tội danh trên có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Nguồn: Tổng hợp