Các hình thức lừa đảo trúng thưởng đều không mới nhưng được dựng lại với kịch bản tinh vi hơn trong mùa dịch Covid-19, số lượng nạn nhân được gọi đến để ‘nhận giải’ cũng ngày một nhiều…

bakhon-1read-only-1596940090224177785732

Bà Kh. với một mớ hóa đơn và sản phẩm được một số đối tượng lừa đảo dụ mua với chiêu thức càng mua nhiều càng nhận thưởng lớn – Ảnh: K.H.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ thời gian gần đây, nhiều người cho biết mình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trúng thưởng với yêu cầu chuyển tiền trước để nhận giải thưởng lên đến vài chục triệu đồng, hay được chào mời mua hàng nhiều hơn để trúng thưởng.

Các hình thức lừa đảo trúng thưởng này đều không mới nhưng được dựng lại với kịch bản tinh vi hơn trong mùa dịch Covid-19, số lượng nạn nhân được gọi đến để ‘nhận giải’ cũng ngày một nhiều…

Quà tặng từ trên trời rơi xuống

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị Thanh Thảo (TP.HCM) cho biết vừa trở thành nạn nhân sau khi nhận được tin nhắn từ ‘Tổng đài Facebook’ thông báo chủ tài khoản trúng thưởng một chiếc điện thoại iPhone nhưng phải chuyển trước 5,1 triệu làm chi phí.

‘Ban đầu họ gọi điện, sau đó thì chat qua điện thoại. Thấy cũng thuyết phục, tôi chấp nhận chuyển 5 triệu đồng, sau đó hai bên vẫn giữ liên lạc nhưng người thông báo liên tục đưa ra lý do trì hoãn. Đến nay họ không hề gửi gói hàng, cũng không nghe máy’ – chị Thảo cho biết.

Tương tự, bà Thu (Tây Ninh) cho biết được một đối tượng tự xưng là nhân viên một công ty tại TP.HCM thông báo bà trúng thưởng điện thoại iPhone 11 Pro, nhưng muốn nhận quà phải đóng một khoản phí thuế gần 3 triệu đồng và quà sẽ được gửi về bưu điện.

Tuy nhiên sau khi đóng 3 triệu như yêu cầu, quà mà bà Thu nhận được chỉ là chiếc điện thoại iPhone 4 đã cũ, hỏng.

‘Khi tôi phản ảnh thì đại diện công ty lý giải đơn hàng bị đánh tráo trên đường vận chuyển và hứa bồi thường thiệt hại 5 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Nghe thật vô lý’ – bà Thu cho biết.

Theo các nạn nhân, hình thức lừa đảo qua điện thoại rất đa dạng, kịch bản chung là các đối tượng lừa đảo chủ động làm việc qua điện thoại, thông báo trúng thưởng và sử dụng việc giao nhận tiền, hàng qua bên thứ 3. Do đó, khi phát hiện bị lừa thì nạn nhân không thể truy vết để lấy lại khoản tiền bị lừa.

Bẫy ‘mua nhiều, trúng thưởng càng lớn’

Gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng với mong muốn đòi lại quyền lợi, bà Kh. (Kiên Giang) cho biết đã bị lừa trong một thời gian dài với chiêu thức ‘mua hàng để được lãnh giải trúng thưởng’.

Cụ thể, sau khi xem truyền hình thấy Công ty H.G.V quảng cáo sản phẩm tiêu dùng, bà Kh. gọi đặt mua 1 nồi thông minh với giá gần 2 triệu đồng, rồi bị nhân viên công ty này dụ mua thêm 4 sản phẩm nữa để được quay số trúng thưởng, với tổng giá trị hàng chục triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, những đối tượng này ‘đẻ’ ra 2 công ty khác để tiếp xúc với bà Kh. và hứa ‘cam kết xử lý việc trúng thưởng thay cho H.G.V’, rồi tiếp tục lừa bà Kh. bằng thủ đoạn cũ.

‘Tôi bị dụ mua hàng với số tiền gần 150 triệu đồng nhưng không nhận được quà trúng thưởng nào. Những sản phẩm được mua đều không dùng được do chất lượng rất kém’ – bà Kh. bức xúc.

Tương tự, bà Hồng (Bình Dương) cho biết được một người gọi điện đến tự xưng là nhân viên Công ty A.M (trụ sở tại TP.HCM) thông báo bà đã trúng thưởng 1 xe SH trị giá 179 triệu đồng và thẻ mua sắm gần 60 triệu đồng.

Để nhận được sản phẩm trên, bà Hồng phải làm hợp đồng và mua nhiều sản phẩm khác với giá hơn 60 triệu đồng. Sau khi vay nóng để mua hàng, bà Hồng chẳng nhận được cái gọi là ‘quà trúng thưởng từ công ty’.

Theo tìm hiểu, các đối tượng lừa đảo rất chuyên nghiệp, có hẳn êkip, bủa vây nạn nhân với nhiều ‘vai diễn’, từ người của các bộ phận trong công ty, đối tác, đến cơ quan báo đài… để gọi điện thúc ép khách, thậm chí còn sử dụng hóa đơn, giấy tờ giả, giả mạo đơn vị khác để đi lừa.

Không dễ để đòi quyền lợi

Theo bà Phan Thị Việt Thu – chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, hình thức lừa đảo trúng thưởng đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến, số nạn nhân gia tăng trong thời điểm giãn cách xã hội, người dân có xu hướng online nhiều hơn.

Các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những người có tuổi, vùng ven để dễ ‘qua mặt’.

Tuy nạn nhân liệt kê chi tiết vụ việc nhưng không dễ đòi lại quyền lợi. ‘Đối tượng dụ dỗ mua hàng và nạn nhân mua dựa trên sự tự nguyện. Ngoài ra, việc mua bán thường chuyển qua bưu điện, số điện thoại và địa chỉ liên lạc đối tượng lừa đảo dùng thường ảo, không dễ tìm ra chứng cứ’ – bà Thu nhận định.

Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết phần lớn nạn nhân bị tiếp cận khi đã lộ hết thông tin cá nhân. Các đối tượng lừa đảo dễ dàng nắm bắt thông tin về thói quen, quê quán, thậm chí cả giấy tờ cá nhân nên thuyết phục được những người thiếu cảnh giác.

‘Bản thân tôi cũng nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên bưu điện Hà Nội thông báo có một bưu kiện từ tòa án gửi về, liên quan đến tài khoản ngân hàng, thiếu nợ vài tỉ đồng, phải đóng tiền giải quyết. Khi tôi yêu cầu gửi tiền mặt, người gọi điện cúp máy’ – ông Mạch kể.

Cũng theo ông Mạch, việc xử lý các vụ lừa đảo qua mạng khá khó khăn do đa phần tội phạm lừa đảo ở nước ngoài, có cả người nước ngoài. Ngay cả những vụ bắt được tội phạm cũng không thể thu hồi khoản tiền đã mất.

‘Mức xử lý cũng chưa đủ răn đe nên hình thức lừa đảo này vẫn tiếp tục diễn ra. Người dân chỉ còn cách phải nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân, cẩn trọng khi giao dịch điện tử’ – ông Mạch gợi ý.

Dùng dịch vụ tài chính làm ‘mồi câu’

Chị M. (Đồng Nai) cho biết mới đây chị nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên của một ngân hàng tại TP.HCM thông báo chị được nhận phần quà là 1 thẻ Visa có sẵn 10 triệu trong tài khoản. Điều kiện để nhận thưởng là phải trả trước chi phí gần 2 triệu đồng, số tiền này sẽ được hoàn lại vào tài khoản.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong, chị không được nhận thẻ như hứa hẹn.Nhiều nạn nhân khác cho biết đã nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo được vay từ 10-70 triệu đồng lãi suất thấp bằng hình thức nhận thẻ tín dụng qua bưu điện. Khi nhận thẻ yêu cầu đóng 1,5 triệu phí bảo hiểm, ra ngân hàng làm thủ tục nhận tiền và sau 1 tháng có thể nhận lại số tiền đã đóng 1,5 triệu đó.

Nguồn: Tổng hợp