Nhiều công trình có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ở Tây Nguyên chậm tiến độ nhiều năm, không chỉ đội vốn mà còn khiến cuộc sống người dân khốn khổ

Ngày 17-9, ông Hòa Quang Khiêm – Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk – cho biết đoàn công tác của UBND tỉnh đã tổ chức khảo sát, chuẩn bị các phương án di dời khẩn cấp 200 hộ dân đang sinh sống trong lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng. Câu “Nước đến chân mới nhảy” khá đúng trong trường hợp này khi không lâu nữa, nước ngập lòng hồ mà nay vẫn còn hàng ngàn hộ dân sinh sống ở đây.

Phải di dân khẩn cấp

Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách Thượng với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Dự án ngàn tỉ này được kỳ vọng sớm hoàn thiện để làm đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội một vùng rộng lớn của các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau gần 10 năm ì ạch thi công, tháng 12-2018, dự án đội vốn thêm 1.500 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng.

Vì tiến độ giải phóng mặt bằng chậm nên hàng trăm hộ dân khu vực lòng hồ Krông Pách Thượng vẫn chưa được nhận tiền bồi thường cũng như bố trí tái định cư.

5-chot-16003503829511826546223

Người dân gặt lúa bị ngập lụt trong lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng .Ảnh: CAO NGUYÊN

Theo kế hoạch, cuối tháng 9-2019, nước trong lòng hồ Krông Pách Thượng bắt đầu dâng lên và đến hết tháng 12-2020 sẽ đạt cao trình, ngập 1.000 ha. Tuy nhiên, trên diện tích này, còn 800 hộ dân với hàng ngàn con người đang sinh sống. Trước tình hình này, UBND huyện M’Đrắk đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp và bảo đảm việc học tập cho con em trong vùng. “Chúng tôi đề nghị phải làm ngay phương án di dời dân khẩn cấp để chủ động trong khi chúng ta còn có điều kiện. Bên cạnh đó, phải tổ chức ngay cho người dân bốc thăm tại khu tái định cư để dân có chỗ ở trước rồi mới nói đến chuyện giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn” – ông Khiêm nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 9-2020, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình cũng thuộc bộ này cho biết chỉ một lượng mưa nhỏ vừa qua đã gây ngập gần 30 ha hoa màu của người dân, giao thông bị chia cắt. Nếu khu vực trên xuất hiện lượng mưa ở mức cao hơn khoảng 100 mm thì nước sẽ dâng cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Tắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng

Tương tự, dự án đường Đông Tây TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng loay hoay giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, đội vốn. Có chiều dài gần 7 km, dự án do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9-2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2018. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 990 tỉ đồng. Do chậm tiến độ nên tổng mức đầu tư của dự án đã lên hơn 1.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn đang mỏi mòn đợi chờ bồi thường, bố trí tái định cư.

Theo quan sát của phóng viên, hiện một số hạng mục trên tuyến đường vẫn đang xây dựng dở dang, hai bên vỉa hè cỏ dại mọc um tùm, một số điểm bị xói mòn, có dấu hiệu xuống cấp.

Nguồn: Tổng hợp