Đá trovant ở làng Costesti gây tò mò cho giới nghiên cứu bởi khả năng mọc thêm đá con khi gặp mưa và di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Bãi đá trovant ở làng Costesti. Ảnh: Wikipedia.

Bãi đá trovant ở làng Costesti. Ảnh: Wikipedia.

Khu bảo tồn thiên nhiên thuộc Bảo tàng Trovant nằm ở hạt Valcea, gần con đường nối giữa thành phố Ramnicu Valcea với Targu Jiu của Romania. Những tảng đá trovant có hình thù và kích thước đa dạng, tập trung ở ngôi làng nhỏ Costesti. Điều khiến các tảng đá này trở nên đặc thù và bí ẩn là chúng sẽ lớn lên và phình to sau khi tiếp xúc với nước. Từ đường kính 6 – 8 mm ban đầu, tảng đá phát triển đến kích thước trung bình 6 – 10 m.

Đá trovant là kết quả của hiện tượng địa chất độc đáo gọi là kết hạch sa thạch. Mỗi tảng bao gồm lõi đá và lớp vỏ cát bên ngoài. Khi trời mưa to, những khối nhỏ hơn xuất hiện trên bề mặt tảng đá nên người dân địa phương thường gọi chúng là “đá tự lớn”. Khối đá trovant có thể cấu thành từ một hoặc nhiều tảng. Xẻ thử tảng đá, mặt trong có những vòng hình tròn hoặc elip tương tự vòng cây. Những tảng đá thậm chí có thể di chuyển từ nơi này tới nơi khác mà các nhà nghiên cứu chưa tìm ra cách lý giải.

Kết quả phân tích cho thấy không có khác biệt nào về mặt khoáng chất giữa phần lõi của đá trovant và lớp cát xung quanh. Chất gắn kết trong tảng đá thường là hợp chất chứa carbonate. Theo vài báo cáo, có một bồn địa trầm tích trong khu vực cách đây 6 triệu năm.

Giới nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu về đá trovant trong vùng vào khoảng năm 1883. Họ đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích sự hình thành của những tảng đá, trong đó giả thuyết về nguồn gốc địa chấn của đá trovant nhận được ủng hộ từ kết quả thực nghiệm trong phòng thí nghiệm. Theo giả thuyết này, các khối sa thạch hình cầu được phân tách khỏi cát ẩm trong quá trình sàng lọc dưới sức mạnh của những cơn địa chấn.

Sau mỗi trận mưa lớn, đá trovant hấp thụ khoáng chất trong nước mưa. Khoáng chất phản ứng với hợp chất hóa học có sẵn trong đá. Áp lực bên trong lập tức thúc đẩy lớp đá mới trồi từ tâm ra các phía với tốc độ khoảng 4 – 5 cm trong 1.000 năm. Ngày nay, bảo tàng Trovant ở Romania là di sản nằm dưới sự bảo vệ của tổ chức UNESCO.

An Khang (Theo Geologyin)

Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/nhung-tang-da-song-biet-di-chuyen-o-romania-3971826.html