Từ chuyện Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nộp đơn xin thôi nhiệm vụ; tương tự trước đó là 2 lãnh đạo cấp cao của tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh… dư luận cho rằng đã đến lúc phải rạch ròi giữa cán bộ lãnh đạo “xin từ chức” với “bị cách chức”.

untitled-83

Lâu nay nhiều người có quan niệm, gần như trở thành “bình thường”: chức vụ của một ai đó là do nhân dân ủy thác, và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân bố trí, bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ra ứng cử… Với quan niệm như vậy, người cán bộ công chức xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên – xuống – ra – vào là chuyện của tổ chức, còn bản thân thì thụ động, chờ đợi tổ chức phán quyết.

Còn nhớ cách đây vài năm, xảy ra nhiều chuyện bê bối ở một sở nọ do năng lực lãnh đạo (chuyện đã qua nên tôi không muốn nhắc tên cụ thể). Khi báo chí phỏng vấn vị giám đốc rằng có ý định từ chức không? Vị giám đốc trả lời thành thật: Trong “từ điển” không có hai chữ từ chức. Đảng phân nhiệm vụ gì thì phải làm, nếu Đảng thấy làm không được thì Đảng bảo nghỉ mới nghỉ, mình không có quyền từ chức!

Trước đây, TP HCM có 4-5 vị từ chủ tịch, phó chủ tịch quận, phó giám đốc sở cũng nộp đơn xin nghỉ việc, từ chức dù bản thân họ không sai phạm gì. Lý do mà các vị nầy nêu ra là “thấy mình không đủ năng lực” hoặc lấn cấn chuyện nầy chuyện kia…. Thế mà, cũng có ý kiến ra ý kiến vào. Với cá nhân tôi, dù lý do gì đi nữa, hành động “tự xử” như vậy rất tự trọng, còn hơn khối người xin nghỉ, xin từ chức là để… hạ cánh an toàn.

Dư luận những ngày qua bàn tán khá nhiều về thông tin ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ. Trong khi trước đó vài ngày, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo; ông Trần Ngọc Căng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cũng bằng hình thức cảnh cáo. Xét về sai phạm, cả hai ông đều gây họa không nhỏ. Vì thế việc ông Chữ, ông Căng xin thôi chức với lý do “sức khỏe” hoặc để nhằm “kiện toàn cho công tác nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh…”, như đổ thêm dầu vào lửa!

Chuyện của ông Chữ, ông Căng làm ta nhớ lại những chuyện na ná trước đó. Tháng 4-2017, ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi đơn xin thôi làm ĐBQH vì lí do sức khỏe. Đến đầu tháng 5-2018, bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cũng có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH. Rồi cuối tháng 8-2019, ông Hồ Văn Năm, khi đó là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, nối bước gửi đơn xin thôi làm nhiệm vụ… vì lý do sức khỏe không ổn định.

Ba lãnh đạo này có thời gian nộp đơn xin thôi nhiệm vụ khác nhau, nhưng có điểm chung là mắc sai phạm nghiêm trọng, đang chờ xử lý.

Từ chức khi không còn đủ uy tín là một việc làm tự nguyện, tự giác khi thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, hay nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ. Đây là thái độ trung thực với chính mình, là biểu hiện của sự tự trọng. Còn từ chức, xin thôi nhiệm vụ khi tay đã nhúng chàm thì đó là kiểu “treo ấn từ quan” để “hạ cánh an toàn”.

Văn hóa từ chức không phải vậy!

Vì thế cần luật hóa, phân định rạch ròi giữa “xin từ chức” với “bị cách chức”. Bởi, bản chất khác nhau lắm!

Nếu sai phạm mà chỉ kỷ luật rồi cho thôi chức vụ thì không đủ sức răn đe; người dân không “tâm phục khẩu phục”!.

Diệp Văn Sơn (nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ); ảnh: Tấn Nguyên

Nguồn: Tổng hợp