– Tại sao lại phân chia giá điện theo bậc mà không thống nhất chung một mức giá? Tức là dùng đến đâu, trả tiền đến đó.

– Tại sao càng dùng nhiều điện thì giá tính lại càng đắt? Theo lẽ thường, khi càng mua nhiều thì giá phải càng giảm.

– Tại sao EVN mua điện ở một mức giá rồi bán giá cao cho dân?

– Tại sao thu nhập thấp nhưng giá điện Việt Nam lại cao?

Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Việt Nam được chia thành 6 bậc thang. Và để phản ứng lại cách tính bậc thang này, dư luận có một vài khúc mắc như bên trên.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có sản lượng điện cao thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Indonesia. Năm 2018, tổng sản lượng điện sản xuất của toàn ngành điện vào khoảng 220 tỷ kWh. Nhưng sang đến năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất tại Việt Nam rơi vào khoảng 242 tỷ kWh.

Theo Financial Times và Vietnam News, Việt Nam có nguy cơ thiếu tới 6,6 tỷ kilowatt giờ vào năm 2021, thiếu 11,8 tỷ kWh năm 2022, và có thể thiếu tới 15 tỷ kWh năm 2023. Cũng theo 2 đơn vị này, mỗi năm, ngành điện Việt Nam phải tăng trưởng khoảng 9% và vượt trên con số tăng trưởng của phát triển kinh tế.

Theo ước tính của World Bank, tổng sản lượng điện sản xuất tại Việt Nam bắt buộc phải gia tăng từ 10% đến 12% để đảm bảo đủ lượng điện đáp ứng như cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của Việt Nam.

Chính vì sự tăng trưởng “nóng” như vậy, ngành điện cần phải tái đầu tư liên tục, tập trung vào việc phát triển các nhà máy điện than và điện khí. Theo tương lai gần, cơ cấu sản lượng từ thủy điện sẽ giảm xuống dưới 30%. Năm 2030, cơ cấu sản lượng thủy điện sẽ chỉ còn chiếm khoảng 15% tổng công suất toàn ngành. Giải thích cho sự đi xuống của thủy điện bao gồm một số nguyên nhân như:

  • Biến đổi khí hậu và lưu lượng nước sông hồ chứa giảm
  • Công suất thủy điện của Việt Nam đã được khai thác gần hết.
  • Mặt khác, đẩy mạnh điện than, điện khí sẽ đảm bảo trước mắt “tăng trưởng nóng” sản lượng điện.

(*) EVN mua điện ở một mức giá rồi bán lại giá cao?

Hiện nay, EVN không còn độc quyền ở sản xuất điện nữa. Ngành điện Việt Nam đang kêu gọi các nhà đầu tư đến từ khối tư nhân, khối FDI nước ngoài để đầu tư sản xuất điện.

EVN sắp hết độc quyền bán điện

EVN đang thực hiện cổ phần hoá theo lộ trình của Quyết định 168/QĐ-TTg của Thủ tướng

Theo SGGP, năm 2019, giá trần thu mua từ thủy điện vào khoảng 1.110 VND/kWH. Trong mức giá trần này chưa bao gồm các thuế liên quan. Cần phải biết rằng, đây chỉ là mức giá trần mà EVN dựa vào để thương thuyết và đàm phán với các nhà sản xuất thủy điện khác nhau.

Giá điện thực tế khi EVN thu mua từ các nhà sản xuất thủy điện được quyết định bởi các yếu tố ví dụ như:

  • Giá thu mua trong mùa khô và giá thu mua trong mùa mưa.
  • Giá thu mua phụ thuộc vào công suất lắp đặt nhà máy.
  • Giá bán khác nhau giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
  • Giá bán khác nhau tại các vùng mà các nhà máy thủy điện hoạt động.

Tạm gác lại về giá thu mua thủy điện, chúng ta tiến đến với giá thu mua điện gió. Về cơ bản, bảng giá thu mua hiện tại như sau:

  • Với các dự án điện gió trên đất liền, EVN thu mua với giá 2.014 đồng/1kWh.
  • Với các dự án điện gió trên biển, EVN thu mua với giá 2.322 đồng/1kWh.

Tiếp tục về giá thu mua điện mặt trời thì EVN thu mua:

  • Với dự án nổi là 1.783 đồng/kWh
  • Với dự án mặt đất là 1.644 đồng/kWh
  • Điện áp mái là 1.943 đồng/kWh

Trong đó, khung giá phát điện mà Bộ Công Thương ban hành, khung giá phát điện đối với nhà máy nhiệt điện than dao động từ 1.677,02 đến 1.896,05 đồng/kWh. Mức giá này là khung giá cơ bản để các đơn vị tổ chức đàm phán giá riêng lẻ dành cho mỗi đơn vị sản xuất điện.

Chưa kể rằng, hàng năm Việt Nam phải thu mua điện từ Lào, Trung Quốc với các mức giá khác nhau. Trong khi trong nước thiếu điện, vẫn phải bán điện sang Campuchia với mức giá hấp dẫn vì lý do an ninh – quốc phòng.

Từ những số liệu trên, cho thấy rằng quan điểm: EVN thu mua điện ở một mức giá là sai toàn hoàn.

Ngoài ra, có thể thấy rằng, thủy điện sẽ có mức chi phí sản xuất và thu mua rẻ nhất, sau đó đến điện than và điện khí. Còn điện mặt trời, điện gió thì chúng ta đang phải bù lỗ vào để kêu gọi đầu tư.

Trong cơ chế phát điện, EVN sẽ ưu tiên các nguồn điện có chi phí thấp và ổn định để tối ưu kinh tế. Nhưng sẽ có thời điểm, EVN phải vận hành cả những nguồn phát dự phòng sử dụng dầu – có giá thu mua lên đến trên 5000 VND/1kWH để bù đắt vào việc cung cấp đủ nhu cầu cho toàn quốc.

(*) Thực trạng biểu giá điện bậc thang tại một số quốc gia tương đồng với Việt Nam về thu nhập hoặc vùng địa lý.

Theo EIA – Cơ quan quản lý thông tin năng lượng của Hoa Kỳ thì Singapore là quốc gia có giá điện đắt nhất Đông Nam Á và cũng là quốc gia duy nhất chỉ áp một bậc bán lẻ giá điện sinh hoạt duy nhất. Nguyên nhân được chỉ ra rằng 95% lượng điện từ quốc gia nhỏ bé này đến từ khí đốt nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia, bên cạnh đó, giãn cách giàu nghèo của xã hội Singapore là rất thấp, trong khi đó mức thu nhập bình quân của người dân Singapore ở mức rất cao.

Tại Đông Nam Á, quốc gia có mức giá điện bán lẻ sinh hoạt rẻ nhất là Brunei. Điều này đến từ việc quốc gia này có nguồn tài nguyên là khí đốt rất lớn, bên cạnh đó dân số lại nhỏ, vì thế chính quyền Brunei quyết định trợ giá điện cho người dân nước này.

Ngoài ra, các quốc gia khác tại Đông Nam Á đều áp mức giá điện bậc thang dành cho điện sinh hoạt.

Tại Thái Lan, quốc gia này cơ bản phân chia làm 7 bậc thang. Trong đó mốc cao nhất là trên 400 kWh/1 tháng – trùng với mốc cao nhất tại Việt Nam. Tại Philippines, giá điện cũng chia theo mốc và thậm chí giá điện còn cao gấp đôi Việt Nam.

Tại Malaysia, quốc gia này có 2 bậc lớn. Mỗi bậc lớn lại chia làm các bậc nhỏ hơn. Ví dụ như nếu dùng đến mức trên 900 kWh/1 tháng, hộ gia đình phải chi trả theo 6 bậc. Bậc cao nhất có mức chi phí tốn gấp 2 lần bậc thấp nhất.

Theo Globalpetrolprice, có tới 80% các quốc gia áp dụng biểu giá điện bậc thang.

Đến như các quốc gia phát triển với sự phát triển của điện hạt nhân – nguồn điện giá rẻ, ổn định, thân thiện môi trường như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng không thể áp dụng điện một giá. Chứ đừng nói một quốc gia đang phát triển như Việt Nam – đang phải phát triển nóng để đáp ứng nhu cầu điện trong nước.

Nếu tính mức giá điện, các quốc gia có mức điện giá rẻ nhất thế giới đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn như dầu mỏ, khí đốt, trữ lượng thủy điện rất lớn như Iraq, Iran, Kuwait… hoặc sở hữu hạ tầng phát triển điện hạt nhân lớn như Ucraina, Nga, Pakistan. Hay như Lào chẳng hạn, do đây là quốc gia có dân số ít, mật độ phủ điện lưới chưa cao, trong khi trữ lượng thủy điện rất lớn, Việt Nam đang mua điện từ Lào ngày càng nhiều.

Rõ ràng, Việt Nam không có những ưu thế trên. Mặt khác, xu thế “điện bậc thang” là xu thế chung của thế giới chứ chẳng phải do Việt Nam tự “đẻ” ra. Thậm chí được khuyến khích trong tình trạng sắp tới dân số toàn cầu tăng cao còn nguồn tài nguyên đang hạn hẹp trở lại.

Mục đích của việc sử dụng biểu giá điện theo bậc thang bao gồm:

– Khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Khác với các mặt hàng khác, điện là mặt hàng đặc biệt mà mọi quốc gia trên thế giới đều khuyến khích tiết kiệm.

– Các hộ dân sử dụng ở mức cao – tức là những người giàu có, khá giả sẽ hỗ trợ những người ở mức thấp. Điều này có cơ chế hoạt động gần như tương tự với bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam. Chi phí từ những người không bị bệnh hỗ trợ những người bị bệnh.

– Khác với dầu, than hay khí đốt. Điện không thể có tình trạng “cơm không ăn thì gạo còn đó”. Điện đã sản xuất thì chắc chắn sẽ bị tiêu hao hoặc mất đi, việc tích trữ điện không hiệu quả vì chi phí rất tốn kém, công nghệ lưu trữ chưa theo kịp công nghệ sản xuất.

– Giá điện tính theo cơ chế: “Dùng càng ít, giá điện bán lẻ càng giảm”, khác với cơ chế hàng hóa thông thường khác: “Dùng càng nhiều, giá hàng hóa càng giảm”.

Việc áp dụng “một mức giá” sẽ cào bằng việc sử dụng điện.

Tức là, việc hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm người nghèo, vùng sâu xa, hải đảo sẽ gặp khó khăn. Ví dụ như những người nghèo sử dụng ít sẽ chịu mức giá ngang với người giàu sử dụng nhiều. Mặc dù biết rằng dùng nhiều thì đóng nhiều, nhưng điện thì lại cần phải tiết kiệm và là mặt hàng dùng để hạn chế sự phân hóa giàu nghèo.

Bên cạnh đó, sử dụng điện càng nhiều, áp lực truyền tải càng nhiều, thất thoát càng nhiều, đầu tư cho việc sản xuất càng lớn, chi phí chắc chắn sẽ tăng, Và với tình hình thực trạng điện ở Việt Nam, áp lực này lại lớn hơn.

Điện thì đang thiếu, việc áp lực tái đầu tư phát triển nguồn điện mới lớn, nguồn điện giá rẻ đã khai thác đến gần như giới hạn, dân thì đông, việc tiết kiệm điện cũng chỉ là phong trào, kinh tế – xã hội tăng trưởng nóng vậy mà đòi xài điện “một giá” như mấy nước giàu tài nguyên phát triển điện và dân số ít. Hay lại còn đòi: “Tăng đến 5000 VNĐ/1 kWH điện cũng chịu miễn là một giá hoặc tư nhân hóa” thì là ngu dốt và phong trào rồi.

(*) Tại sao Việt Nam thu nhập thấp nhưng giá điện lại cao?

Không chính xác.

Hiện nay, tính đến tháng 10/2019 theo Globalpetrolprices, giá điện Việt Nam so với các nước có cùng mức thu nhập đầu người là không cao. Ví dụ như Philippines, giá điện bình quân tại Philippines là gần 4400 VNĐ/1 kWH, Indonesia là 2400 VNĐ/1 kWH, Campuchia là 3405 VNĐ/1 kWH. Trong khi đó giá điện bình quân tại Việt Nam là 1876 VNĐ/1 kWh

Vậy qua thống kê trên, nếu xét các quốc gia có thu nhập bình quân tương đương hoặc hơn kém nhau không đáng kể thì giá điện Việt Nam không cao.

Ngoài ra, cần chú ý rằng, hiện nay cơ cấu sản xuất điện Việt Nam tập trung chủ yếu vào điện than, điện khí. Trong khi giá thành hai mặt hàng này biến động theo thời gian và đều có xu hướng tăng tương lai. Bản thân giá than, giá khí và giá dầu là giá giao dịch trên thị trường quốc tế. Làm gì có chuyện nghèo thì mua được giá rẻ hơn, giàu thì mua đắt hơn? Giờ đi mua iPhone, bảo với người bán rằng tao nghèo thì tao mua giá thấp hơn giá niêm yếu xem có bị chửi là hâm không?

Muốn giá điện giảm giá hơn thì phải đẩy mạnh thủy điện – gần như rất khó hoặc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân – nguồn năng lượng rẻ, bền vững, công suất lớn và là nguồn cung tốt nhất hiện nay.

Nhưng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, niềm ao ước của ngành điện nói chung và Việt Nam nói riêng, đã tạm dừng và yên vị ở trên giấy tờ.

Bài viết không đi vào việc phân tích các mốc bậc thang tính giá điện.

Nguồn: Tifosi