Hiện có một số tài sản, dự án lớn trong vụ án Phan Văn Anh Vũ rất khó thi hành. Còn dự án sân vận động Chi Lăng thì cơ quan thi hành án bế tắc vì… không thể thi hành án.

9-7-chu-thich-anh-an-kho-da-nanganh-so-2-3-1read-only-1594305735524415836606

Thi hành án bó tay vì tòa tuyên giao đất nhưng thực tế đất này có Trường mầm non ABC đang hoạt động – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đó là thực trạng đang khiến cơ quan thi hành án TP Đà Nẵng đau đầu, bế tắc, các vụ án kéo dài không tìm được lối ra. Dù các bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án không thể thi hành, bởi bản án tuyên không phù hợp với thực tế.

Tuyên án một đường, thực tế một nẻo

Ông Trần Phước Thu – cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng – cho biết tại vụ án Phan Văn Anh Vũ, tòa tuyên buộc Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, Công ty CP đầu tư và phát triển Chấn Phong phải giao nộp lại cho TP Đà Nẵng khu đất tại đường Ngô Quyền (Q.Sơn Trà) diện tích 3.264m2.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành án, hiện trạng tài sản thực tế có cả nhà trên đất nên vướng không thể thực hiện được. Cụ thể, thứ nhất, bản án chỉ tuyên giao quyền sử dụng khu đất 3.264m2 cho TP Đà Nẵng. Tuy nhiên từ tháng 5-2016, Phan Văn Anh Vũ đã cho Công ty TNHH I.V.C thuê khu đất trên với giá 30 triệu đồng/tháng để đầu tư xây dựng và kinh doanh Trường mẫu giáo ABC.

Xác minh trên thực tế hiện nay, công trình Trường mẫu giáo ABC đang tọa lạc trên khu đất, trường hoạt động bình thường, có khoảng 200 học sinh đang học, số lượng cán bộ, giáo viên của trường khoảng 40 người.

“Quyết định của bản án tuyên chỉ giao quyền sử dụng đất, mà không đề cập đến việc giải quyết đối với tài sản trên đất như vậy dẫn đến việc không thể tổ chức thi hành án giao đất trên thực tế cho UBND TP Đà Nẵng được” – ông Thu nói.

Ngoài ra, tòa án còn buộc Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 phải giao nộp lại tài sản cho TP Đà Nẵng là nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng diện tích đất 1.799m2. Diện tích nhà 2.165,2m2, hiện trạng nhà văn phòng 2+3 tầng, sàn đúc, mái đúc + tôn, tường xây, nền gạch hoa. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tại địa chỉ 16 Bạch Đằng là khu đất trống được rào xung quanh, cổng bị khóa.

Tại dự án khu đô thị Đa Phước, việc TAND cấp cao ở Hà Nội tuyên thu hồi khu đất 29ha tại dự án đang khiến hàng trăm người dân, nhà đầu tư vô cùng lo lắng.

Bình luận về phán quyết của tòa, luật sư Trần Tuấn Lợi – chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng – nói: “Điều vô lý ở đây là tòa tuyên thu hồi khu đất 29ha trong khi tài sản trên đất của Công ty Đa Phước và những nhà đầu tư khác không hề được đề cập trong bản án. Do vậy, việc giao cho UBND TP thu hồi khu đất này là không khả thi”.

Phán quyết của tòa gây bất an

Luật sư Lợi cho biết: “Hiện rất nhiều người dân trên địa bàn và đặc biệt là người dân mua nhà và những đối tác đầu tư tại dự án rất lo lắng. Với phán quyết của tòa án như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ gây ra sự bất an của hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án. Có thể sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người khi tổ chức thi hành án, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn TP. Hậu quả về mặt ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn TP là khó dự đoán được”.

Theo luật sư Lợi, hiện tổng dư nợ của Công ty Đa Phước tại 2 ngân hàng Vietcombank và SHB lên tới hơn 1.500 tỉ đồng. Đây là các khoản vay để Công ty Đa Phước phát triển dự án, có thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29ha. Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ty Đa Phước khó tránh khỏi việc bị phá sản. Lập tức các khoản nợ ngân hàng kia sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi.

Ngoài ra, hiện nay Công ty Đa Phước đã ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh với hàng chục đối tác khác nhau. Theo đó, các đối tác của Công ty Đa Phước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cùng Công ty Đa Phước xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, đường sá…

Có nhiều công trình 18 – 25 tầng đã được xây dựng xong phần thô, chờ hoàn thiện để đi vào sử dụng. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền đã đầu tư của các đối tác sẽ bị mất, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc hoàn thiện các công trình nêu trên sẽ bị đình trệ không biết đến bao giờ.

Với vị trí các công trình nằm ngay sát biển, các kết cấu của công trình nếu không được hoàn thiện sớm sẽ bị xuống cấp rất nhanh, gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp vào dự án.

“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang theo dõi vụ việc này cũng như những dự án khác đang thi hành trước khi có quyết định đầu tư vào Đà Nẵng. Với những bất cập như trên, trong việc thu hồi khu đất 29ha không thể không tính đến việc giải quyết khối tài sản trên đất” – luật sư Lợi phân tích.

Bế tắc vụ sân vận động Chi Lăng

Ông Trần Phước Thu – cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng – cho biết với vụ án liên quan đến sân vận động Chi Lăng, bản án tuyên buộc ông Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh và một công ty khác liên đới bồi hoàn cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam gần 4.000 tỉ đồng và tiền lãi đối với các khoản vay tính theo các hợp đồng tín dụng. Tài sản được kê biên để thi hành án là 10 lô đất ở sân vận động Chi Lăng.

Tuy nhiên, theo Luật đất đai năm 2003, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thời hạn sử dụng đất là có thời hạn. Trong khi đó 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu phức hợp sân vận động Chi Lăng được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất.

Theo quy định pháp luật về đất đai và kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Đà Nẵng phải thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.

Ngoài ra, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được.

Nguồn: Tổng hợp