Nhu cầu khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh do virus nCov tăng vọt khiến giá cả cũng leo thang theo. Ngay lập tức các cơ quan quản lí nhà nước phản ứng bằng cách “tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán”.

Rất nhiều ý kiến đồng tình với cách làm của Nhà nước để ngăn chặn những người lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân để trục lợi, nhưng cũng có những ý kiến khác. TBKTSG xin giới thiệu ý kiến của tác giả Lê Học Lãnh Vân.

Xử phạt người bán tăng giá khẩu trang, điều gì sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Chen chúc mua khẩu trang ở TP HCM. (Ảnh Thành Hoa).

Lợi nhuận và đạo đức kinh doanh

Một hàng hóa bán trên thị trường luôn có giá bán. Xác định giá hàng hóa luôn là một việc làm vừa có công cụ hỗ trợ, vừa nên theo bài bản, vừa cần kinh nghiệm và tính nhạy bén thị trường. Nhìn chung có hai cách định giá: định giá theo chi phí và định giá theo thị trường.

Định giá theo chí phí là tính toán hết các chi phí bỏ ra để có hàng hóa. Dựa trên tổng chi phí, người ta cộng thêm một mức lời mong muốn để có giá bán. Định giá theo thị trường là tính toán tất cả các yếu tố thị trường, tâm lí và thói quen mua của khách hàng để ước lượng khách hàng đồng ý trả bao nhiêu cho hàng hóa đó, nói cách khác là giá tìm mức lời cao nhất mà vẫn có thể cạnh tranh, vẫn có khách hàng mua.

Như vậy, chúng ta thấy việc giá khẩu trang tăng khi nhu cầu xã hội cao hơn là do giá được định theo thị trường. Điều này phù hợp với động lực vận hành của thị trường: lợi nhuận.

Nhưng kinh doanh thì không thể chỉ chạy theo lợi nhuận mà bất chấp đạo đức. Đạo đức chi phối toàn bộ xã hội, bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng có đạo đức của nó phù hợp với đạo đức cốt lõi của xã hội. Kinh doanh thì có đạo đức kinh doanh.

Trong bài viết này tác giả không có ý bàn sâu về đạo đức kinh doanh, mà nói tới phạm trù đạo đức và phạm trù kinh doanh liên quan đến chuyện giá khẩu trang tăng và việc can thiệp vào giá khẩu trang đang xảy ra hiện nay.

Cho dù kinh doanh thì phải có đạo đức, nhưng trong việc giá khẩu trang cần minh bạch các điểm sau đây:

Thứ nhất, giá tăng hay giảm theo nhu cầu thị trường nằm trong phạm trù kinh doanh.

Thứ hai, một việc kinh doanh có vi phạm đạo đức kinh doanh hay không, chủ yếu nằm ở chỗ có vi phạm luật pháp không, cho dù về mặt phạm trù thì đạo đức khác với luật pháp. Thí dụ hàng có giả không; có kém chất lượng so với tuyên bố không; có vi phạm luật pháp về đầu cơ không; có tuân theo quy định luật pháp không…

Thứ ba, về tính chia sẻ cộng đồng, rõ ràng người phát khẩu trang từ thiện có tính cộng đồng cao, còn người bán khẩu trang tăng giá thì không có tính đó. Chia sẻ là việc tốt, ai làm được xã hội tôn trọng, yêu quý, nhưng không chia sẻ không phải là vi phạm pháp luật, nên không thể xử phạt được nếu không có các vi phạm khác kèm theo.

Sự can thiệp của chính quyền

Chính quyền chỉ nên can thiệp vào việc tăng giá bằng các biện pháp sau:

a. Khi xáo trộn xã hội chưa tới mức khẩn cấp: Chính quyền chủ động lập các điểm phát khẩu trang miễn phí nơi đông người, thí dụ sân bay, siêu thị… hoặc có giải pháp để cung cấp ra thị trường số lượng lớn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu.

b. Khi sự xáo trộn xã hội tới mức khẩn cấp, chính quyền sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cần phù hợp với luật pháp, sau khi tham khảo các tiếng nói có uy tín, được Quốc hội hay một cơ quan đủ thầm quyền cho phép. Khi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chính quyền sẽ có một số quyền hạn can thiệp trong phạm vi cho phép của luật pháp.

Sự can thiệp của chính quyền được xem là quá mức, nghĩa là vượt quyền hạn được xác lập bởi luật pháp. Một sự can thiệp như vậy dẫn tới phá vỡ tính tự do của thị trường, nguyên tắc lợi nhuận của thị trường. Và điều này đồng nghĩa ngăn chặn “bàn tay vô hình” điều tiết thị trường theo nguyên tắc lợi nhuận. Bàn tay này chỉ hoạt động hiệu quả trong thị trường tự do.

Khi bàn tay này bị ngăn chặn, điều gì sẽ xảy ra?

Trước hết là độ lệch trong tương quan cung – cầu. Khi lệch trong tương quan cung – cầu vượt quá một mức nào đó, hậu quả có thể sẽ là các xáo trộn rất lớn tới đời sống kinh doanh và theo đó đời sống thường ngày của xã hội! Đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho nạn chợ đen, tham nhũng, hối lộ, sân sau… phát triển – những hậu quả tai hại này đã từng và hiện vẫn đang hoành hành trong xã hội.

Tham nhũng, hối lộ, sân sau… tạo cạnh tranh bất bình đẳng và thất nghiệp, kinh tế không phát triển được là hệ quả gần và đương nhiên.

Trở lại vấn đề đạo đức và kinh doanh… Việc tăng giá khẩu trang, nhìn từ bề mặt người ta dễ bất bình, thậm chí dễ cho rằng vô đạo đức. Đứng trên lập trường “đạo đức” đó, chính quyền dễ được sự ủng hộ khi ban hành các lệnh như “tước giấy phép kinh doanh”.

Tuy nhiên, cũng nên xét kĩ, một lần cấm đoán sẽ dẫn tới nhiều lần, một nơi cấm đoán sẽ dẫn tới nhiều nơi, một cấp cấm đoán sẽ dẫn tới nhiều cấp. Thói quen đó có sẽ ngày càng “ngăn chặn bàn tay vô hình”, do đó sẽ đẩy xã hội xa các giá trị đạo đức không?

Bởi vì khi các hậu quả như kể trên xảy ra, e rằng chính quyền không thể giữ được giềng mối, các rối loạn, tệ hại sẽ xảy ra không chỉ trong công chúng mà cả ở những người làm trong bộ máy công quyền. Khi đó, không loại trừ khả năng một số thành viên trong bộ máy này sẽ bắt tay với người vi phạm, càng đẩy rối loạn xã hội cao hơn, bất bình đẳng trong kinh doanh cao hơn và ngăn cản sự phát triển kinh doanh lành mạnh, từ đó ngăn cản sự phát triển và cạnh tranh chung của xã hội và đất nước…

Quan sát chuyển biến, tôi thấy tới nay việc cấm đoán chỉ mới ở mức ngôn từ và hành động đơn lẻ, chứ chưa thành chính sách quyết liệt. Xin bày tỏ lời hoan nghênh về sự thận trọng này!

 

Nguồn: Tổng hợp