Chiều giờ, bạn bè mình có người hả hê và chê bai ông Trần Trọng Tuấn và ông Trần Vĩnh Tuyến. "Vào lò", "quả báo", "bất tài"… và những từ ngữ nặng nề.

Mình nghĩ đó là điều dễ hiểu. Chưa nói đến sai phạm thì tâm lý muôn đời về sự bực bõ của dân chúng với quan chức; sự ức chế được dịp giải toả. Trong đó cũng có những người nay thoải mái phát ngôn khi những kẻ vào lò chắc chắn sẽ không trả đũa được họ.

Riêng với ông Trần Trọng Tuấn, mình tin là mình có thông tin để hiểu ở mức độ nhất định về ông.

30 năm trước, mình là học trò của giảng viên Trần Trọng Tuấn tại Phân hiệu ĐH Pháp lý TP.HCM (thuộc ĐH Luật Hà Nội, tiền thân của ĐH Luật TP.HCM ngày nay). Anh Tuấn là một trong những giảng viên trẻ, giỏi nhất lúc bấy giờ. Ít nhất hơn 20 tiến sĩ, Phó Giáo sư hiện nay tại ĐH Luật TP.HCM từng là học trò anh.

Mình học anh Tuấn rất ít, vì anh là giảng viên khoa Luật Kinh tế, mình là sinh viên Khoa Toà án (sau là khoa Luật Tư Pháp). Tuy nhiên kiến thức và sự nhiệt tình của anh thời điểm đó, nhiều bạn bè hôm nay đã là lãnh đạo TAND, Đoàn Luật sư các tỉnh còn nhớ và có thể xác tín.

Mình không thân thầy Tuấn thời trước lẫn anh Tuấn sau này, 23 năm nay từ khi mình rời trường Luật, hai anh em gặp nhau chừng dăm lần, nhắn tin thăm nhau mươi lần nhưng vẫn dõi theo nhau vì đều là người Trường Luật thuở ban sơ. Anh làm được rất nhiều việc từ thời PCT Quận, về Chủ tịch Bình Chánh, GĐ Sở Xây Dựng và BT Quận 3 sau này.

Hôm anh "được" điều động thôi làm Bí thư quận uỷ để nhận nhiệm vụ Phó CVP Thành uỷ, một chị lứa đàn em khoá sau anh nhắn mình đại ý ừ thôi tiếc, nhưng không bị xử lý hình sự cũng mừng. Mình thì đủ thông tin để biết đó chỉ là bước đệm. Biết thôi, và thấy buồn .

Quan trường, dấn thân vô được nhiều mà mất cũng lắm. Cũng đừng mong và trách nếu khi ngã ngựa thiên hạ không công bằng với mình.

Mong anh khoẻ và bình tĩnh, bình yên.

Ảnh: Mình và anh Tuấn thứ 5 và thứ 6 trái qua, hàng đứng, 27 năm trước.


Hiệu Sinh Kỳ

Nhà báo Đức Hiển, báo Pháp luật TPHCM

Nguồn: Tổng hợp