Lần đầu đóng trong phim kinh dị 18+ “Cha ma”, song Đan Trường chỉ khiến người xem chú ý ở cảnh hát ru.

Trong phim điện ảnh do Bá Vũ đạo diễn, Thanh (Phương Anh Đào đóng) là người mẹ bận rộn với công việc, liên tục vắng nhà. Cô thuê một sinh viên tên Nhi (Ngọc Duyên đóng) ngủ lại nhà, chăm sóc con gái (bé Chiêu Nghi). Những hiện tượng lạ bắt đầu xuất hiện trong ngôi nhà nằm tách biệt giữa rừng. Đan Trường hóa thân một nhân vật hành tung bí ẩn.

Lần đầu góp mặt ở phim thuần kinh dị, “đất” diễn của Đan Trường khá ít. Anh không có nhiều thoại, chỉ xuất hiện thoáng qua ở một số cảnh. Anh có hai tạo hình – một giảng viên bảnh bao và nhân vật người đàn ông bí ẩn – nửa đầu phim không lộ diện mà chỉ xuất hiện qua những góc máy quay giấu mặt.

Tình tiết khiến người xem phải suy đoán mối liên hệ giữa hai nhân vật. Đến cuối phim, qua màn độc thoại của nhân vật, những khúc mắc được hé lộ. Cách thoại của Đan Trường chưa đạt biểu cảm cần thiết ở các đoạn cao trào. Điểm nhấn của anh chủ yếu là là ngoại hình sáng màn ảnh và các cảnh hát ru – được hỗ trợ nhờ hiệu ứng âm thanh tạo cảm giác rùng rợn.

Ca sĩ Đan Trường sinh năm 1976, nổi danh từ thập niên 1990 với dòng nhạc tình ca. Trên màn ảnh, anh từng đóng Võ lâm truyền kỳ (2007), Thứ ba học trò(2009), Yêu anh! Em dám không? (2013) nhưng chưa ghi dấu ấn diễn xuất.

Đan Trường trong một cảnh phim.

Đan Trường trong một cảnh phim. Anh nói vai diễn khá khó để nhập vai.

Ngoài Đan Trường, Cha ma  – tác phẩm kinh dị Việt hiếm hoi ra rạp từ đầu năm đến nay – quy tụ các tên tuổi gây chú ý với khán giả như: hoa hậu Ngọc Duyên, Phương Anh Đào… Song dàn diễn viên không tạo được ấn tượng về diễn xuất.

Vai chính của phim do Ngọc Duyên thể hiện – cũng là vai điện ảnh đầu tay của cô trên màn ảnh rộng. Từng đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2016, Ngọc Duyên có lợi thế về vóc dáng và gương mặt. Tuy nhiên, cô không thể hiện được diễn xuất đa dạng hoặc nội tâm nhân vật. Các phân đoạn của Ngọc Duyên chủ yếu xoay quanh những cảnh trò chuyện cùng Kitty, dỗ con ngủ. Ở những góc cận, biểu cảm của diễn viên chưa khắc họa rõ sự sợ hãi mỗi lần nhân vật nghe thấy tiếng động, bóng hình lạ trong nhà. Giọng thoại của cô thô cứng, không bộc lộ được trạng thái hoang mang của nhân vật.

Poster phim Cha ma.

Poster phim “Cha ma”.

Điểm cộng của phim nằm ở đường dây kịch bản. Có kết thúc bất ngờ (twist ending), tác phẩm buộc người xem phải tập trung vào những chi tiết được cài cắm xuyên suốt phim. Cha ma thành công trong việc đưa ra những tình tiết tưởng chừng không liên quan và xâu chuỗi chúng một cách hợp lý ở phần cuối phim. Nhờ đó, câu chuyện được lý giải theo hướng khác. Những phim kinh dị nổi tiếng từng sử dụng kiểu kết thúc này là The Sixth Sense (1999), The Others(2001)… Đoạn cuối phim được xử lý theo mô-típ bi kịch, tập trung vào cảm xúc đau xót, mất mát chứ không còn nặng yếu tố kinh dị.

Phim khai thác tốt bối cảnh chính – ngôi nhà giữa rừng thông Đà Lạt – để làm nền cho không khí u ám của tác phẩm. Phim có màu tối và lạnh, thời gian chủ yếu diễn ra vào ban đêm với khung cảnh mưa gió. Yếu tố kinh dị trong phim chủ yếu đến từ những màn hù dọa (jump scare), với hình ảnh gây sợ hãi đột ngột xuất hiện trước mặt, sau lưng nhân vật. Âm nhạc trong phim đóng vai trò lớn trong việc khơi gợi cảm xúc. Ở cuối phim, ca khúc Đi về nơi xa (Lê Quang sáng tác) – một bản hit cũ của Đan Trường – vang lên với bản phối piano, tạo cảm giác buồn bã, tiếc nuối.

Phim được bấm máy từ năm 2016, ra mắt sau ba năm hậu kỳ, chỉnh sửa. Tác phẩm được dán nhãn C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi), chiếu từ ngày 23/8.

Nguồn: https://vnexpress.net/giai-tri/dan-truong-dien-nhat-trong-phim-kinh-di-cha-ma-3970761.html