Hồi lớp 8, bố mẹ mình cấm đọc truyện tranh vì cô giáo chủ nhiệm bảo rằng truyện tranh có những hình ảnh người lớn, phản cảm, bạo lực và chúng chỉ phù hợp với người lớn.

Mình phản đối ý kiến đấy bằng cách đứng lên ngay trước lớp, cầm ba quyển truyện Doremon, Fantasista, Slamdunk đặt lên bàn và nói đại khái rằng, không phải bất cứ quyển truyện tranh nào cũng như lời cô giáo nói, không phải tác phẩm nào cũng có những hình ảnh không tốt, không phải quyển truyện nào cũng chỉ dành cho người lớn.

Và rồi cô giáo chủ nhiệm phản ứng lại bằng cách hạ hạnh kiểm của mình vì hành vi vô lễ với giáo viên, cắt luôn giấy khen học sinh tiên tiến, loại mình khỏi đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện. Nhưng cũng nhờ vậy, mà bố mẹ mình không cấm mình đọc truyện tranh nữa, thậm chí bố mình còn là một độc giả của Fantasista, Đường dẫn đến khung thành, Cơn lốc màu da cam vì bố vốn là một người rất thích bóng đá.

Ngoài truyện tranh, hồi bấy giờ, văn hóa thần tượng K-pop cũng chịu rất nhiều những chỉ trích của dư luận và xã hội.

Những câu chuyện kiểu như "dọa bỏ học để bắt bố mẹ mua album", "dọa bỏ nhà đi nếu không có vé concert", "bán thân để mua hình ảnh thần tượng" được đem ra để chứng minh rằng K-pop là một làn sóng độc hại và người trẻ cần phải tránh xa. Có thể nói vào một thời điểm trong quá khứ, người ta coi K-pop như là một hợp chất kích thích gây nghiện, còn người hâm mộ K-pop như là những con nghiện vậy.

Từ truyện tranh, đến phim chưởng, rồi văn hóa thần tượng K-pop…

Game có hình ảnh bạo lực không? Có. Có những tình tiết kích động các tình tiết máu me, chặt chém không? Có. Có phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo không? Có.

Và vì thế, với cánh báo chí và các bậc cha mẹ phụ huynh, game dường như là một thứ chưa bao giờ được lòng. Thậm chí, những người này cho rằng game là một trong những nguyên nhân rõ nhất gây ra các vụ việc bạo lực, vi phạm pháp luật. Vì game hội tụ tất cả những gì xấu nhất trong xã hội con người như: chiến tranh, kích động bạo lực xã hội, các hành động dã man máu me, hay chuyện tình dục trần tục, hành vi khủng bố…

Điện ảnh có những điều độc hại như trên không? Có. Thậm chí cả những câu chuyện thần thoại từ Á sang Âu, truyện cổ tích Việt Nam… cũng có những câu truyện nhuốm màu sắc bạo lực, máu me, loạn luân, hãm hiếp, hay các vấn đề xã hội khác.

Đúng là game có thể gây nghiện, thậm chí WHO liệt nghiện game là một trong các chứng bệnh tâm thần và đưa vào trong danh sách 55 ngàn bệnh, thương tích, nguyên nhân gây ra tử vong. Nhưng nếu tra ngược lại danh sách 55 ngàn của WHO đó, chúng ta sẽ còn tìm kiếm được các nguyên nhân gây ra tử vong khác bao gồm: ảo giác phim ảnh, bạo lực học đường, tôn giáo và cả… hoạt động thể thao.

Điện ảnh, game, truyện tranh và cả phim con heo đều có phân loại độ tuổi rõ ràng, các quy định sử dụng đều khuyến cáo rõ ràng. Nhưng phải thú thực là những thứ đó đều xuất hiện cho có, hầu hết người dùng đều sẽ "bơ" đi.

Và rồi "bơ" rồi, khi xảy ra hậu quả thì lại đem đầu thằng "game" ra để mà chịu, rồi quy cho nó kiểu như: "Mày phải chịu trách nhiệm, mày khiến cho con người nghiện, mày có hình ảnh bạo lực, mày tuyên truyền văn hóa phẩm không phù hợp".

– Nhưng em có cảnh báo rồi mà? Tại họ không đọc, không làm theo mà? Còn bao nhiêu người khác, họ cũng chơi game, họ không nghiện, thậm chí có cuộc sống vô cùng tích cực, không phạm tội mà?

Theo Cafebiz, Việt Nam có hơn 50 triệu người chơi, số lượng người chơi game hàng ngày ở Việt Nam tiệm cận con số 20 triệu lượt người. Thậm chí số lượng người chơi game hàng ngày còn nhiều hơn số lượng người chơi thể thao truyền thống hàng ngày. Với một cộng đồng đông đảo như vậy, thì sẽ không thể tránh khỏi những thành phần nghiện game, cuồng game.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nếu game có hại thì tất cả những người chơi game đều sẽ bị những ảnh hưởng tiêu cực. Tỷ lệ những người nghiện game hoặc từ game mà dẫn đến các hành vi phạm pháp luật là quá nhỏ nếu so sánh với những người chơi game bình thường. Não bộ con người có xu hướng phớt lờ những thứ xảy ra quá thường xuyên, vì người ta mặc định điều đó là hiển nhiên luôn rồi. Chính vì thế, đôi khi người ta chỉ nhằm vào những điều xấu xí.

Vấn đề ở đây, là con người cần một cái gì đó để đổ lỗi, trong quá khứ là truyện tranh, rồi K-pop, và giờ là game.

Hãy nhác để ý qua, chúng ta có thể thấy những người nghiện game hay vi phạm pháp luật về game đều có một số khiếm khuyết về mặt tâm lý, thiếu trách nhiệm dạy dỗ từ gia đình, nhà trường, xã hội. Trong quá trình hình thành nhân cách cá nhân hay còn gọi là quá trình xã hội hóa cá nhân, thì yếu tố gia đình là quan trọng nhất. Sức kháng cự của mỗi cá nhân trước những điều xấu của xã hội như vi phạm giao thông, tìm đến chất kích thích, bỏ học, nghiện ngập.. đều do quá trình tích lũy kinh nghiệm sống, bản lĩnh sống, hiểu biết từ gia đình và xã hội.

Nhiều cha mẹ cứ vứt điện thoại cho con, rồi nếu không chơi game chả hạn, thay vì cho chúng xem Youtube Kids, chơi Angry Birds lại mặc kệ chúng thích làm gì thì làm. Khi lũ trẻ tiếp xúc với những văn hóa đồi trụy thì lại đổ lỗi cho cái điện thoại, cho nhà sản xuất, cho game, cho xxx, cho abc mà chẳng bao giờ nhìn nhận đánh giá lại những lỗi lầm của bản thân.

Chúng ta có thể làm một thử nghiệm giản đơn dễ dàng, đem tỷ lệ tội phạm không nghiện game hoặc phạm tội không do các yếu tố liên quan đến game để so sánh với tỷ lệ phạm tội do nghiện game hoặc do game. Chắc chắn một điều, tỷ lệ tội phạm không nghiện game hoặc phạm tội không do các yếu tố liên quan đến game sẽ nhiều hơn.

Nói đến game hay trò chơi điện tử, thị trường game Việt Nam đang có xu hướng "giải trí" hóa.

Theo báo cáo của Appota Esports, vào năm 2019, số lượng người chơi các game thể thao điện tử, hay còn gọi là Esport đạt khoảng 26 triệu người, chiếm khoảng trên 60% tổng số người chơi game ở Việt Nam và đang ngày càng tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Khoảng 37% game thủ Việt Nam xem các livestream – một hình thức xem người khác chơi game trên mạng. Năm 2019, trong top 10 chương trình trực tuyến có số lượng người xem đồng thời cao nhất có hai chương trình thuộc các bộ môn esport là Liên Quân Mobile và Liên Minh Huyền Thoại, 8 chương trình còn lại liên quan đến bóng đá.

Người dẫn chương trình Jimmy Kimmel nói rằng: "Người ta xem thể thao điện tử giống như việc người ta xem thể thao truyền thống".

Thể thao điện tử là xu thế mới của giải thế giới và ở Việt Nam cũng vậy. Trong danh sách 10 trò chơi điện tử có số lượng người chơi đông nhất tại Việt Nam có tới 7 trò chơi esport hoặc có hình thành thi đấu, luật lệ và cơ chế liên quan đến esport, trong đó các đại diện tiêu biểu nhất là Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại, PUBG Mobile…

Tuy nhiên, ở bất cứ điều gì, cũng có những mặt tối.

Mặt tối của bóng đá hay thể thao truyền thống là bạo lực sân cỏ, cá độ bóng đá. Nhưng rõ ràng chúng luôn phê phán và đấu tranh loại bỏ những điều sai trái ấy và không thể lấy cái xấu để đánh giá toàn cực.

Nếu một người mới đọc One Piece, có thể người đó sẽ cho rằng đây là một bộ truyện bạo lực vì toàn là những hình ảnh quái dị, đánh đấm vô bổ. Nhưng với những người đã đọc lâu rồi, thì sẽ hiểu thế giới trong One Piece là một thế giới tưởng tượng như bao thế giới khác trong điện ảnh, game, việc hành động đánh đấm ấy trong những trang truyện là để bảo vệ chính nghĩa, giúp đỡ người dân, thực hiện khát khao chinh phục và tình bạn bè đồng chí.

Nếu một người không chơi game, chỉ nhìn nhác qua màn chơi "No Russian" trong Call of Duty: Modern Warfare 2 sẽ nghĩ đây là màn chơi khá ghê khi người chơi nhập vai vào là một tên khủng bố, có nhiệm vụ tàn sát người dân Nga ở sân bay. Nhưng nếu là một game thủ trực tiếp tham gia thì đây lại là một nhiệm vụ tình báo, nhân vật trong game vốn là một đặc vụ CIA phải đóng vai một kẻ khủng bố để tạo vỏ bọc.

Nền công nghiệp game hiện nay có nhiều tựa game bạo lực, máu me, đối kháng thì ngành công nghiệp điện ảnh cũng có những bộ phim kinh dị, ghê tởm, bần tiện. Rồi cả truyện tranh cũng có những bộ truyện người lớn, cũng có những bộ truyện trẻ con. Trong điện ảnh có lễ trao giải Oscar – vốn dành cho các bộ phim kén người xem mà đôi khi người xem tự hỏi: Phim này hay chỗ nào nhỉ? Trong ngành game cũng có The Game Awards – một nơi để tôn vinh những tựa game đỉnh cao về nhiều mặt.

Chê món ăn dở, thì phải ăn thử, nêu ra những điểm chưa được, chưa ổn. Chứ chưa ăn thử mà đã vội phán xét thì là võ đoán, quy chụp. Cũng như nhìn về game, thấy game bắn nhau, thì vội vã phán ngay: "Bạo lực quá, dã man quá", nhưng cũng có thể người chơi game đó đang nhập vai chiến sĩ quân đội Việt Nam để chiến đấu chống Pháp trong 7554 chẳng hạn.

Lại nhớ đến câu chuyện giáo dục giới tính ở Việt Nam, người lớn đổ tội cho lũ trẻ rằng do lũ trẻ tiếp xúc với mạng xã hội sớm, do phim con heo tác động chứ chẳng bao giờ nhìn lại rằng việc giáo dục giới tính thì bị né tránh. Hay một câu chuyện khác, khi đứa nhóc mẫu giáo "làm trò người lớn" trên mạng, việc đầu tiên là đổ lỗi cho cô giáo không trông trẻ cẩn thận, thay vì nhìn nhận rằng ở nhà, bố mẹ "lếu lều" trước mặt tụi nhỏ ở nhà.

#tifosi

Nguồn: Tổng hợp