* Lưu ý: Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và là người ủng hộ ĐCS Pháp gia nhâp Quốc tế III!

1. Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử hiện đại hoạt động kín đáo, thường thay tên đổi họ, và thường che giấu hành tung của mình. Một trong những điều được Người che giấu suốt đời là việc gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) Pháp năm 1922.

Tài liệu bằng tiếng Việt đầu tiên và duy nhất lưu hành ở Hà Nội, nói về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh gia nhập Hội Tam Điểm có lẽ là sách Nguyễn Ái Quốc tại Pari 1917-1923, Nxb: Thông Tin Lý Luận ấn hành năm 1989, tác giả là bà Thu Trang. Trong sách nầy, bà Thu Trang viết rằng: “Theo một mật báo đã ghi ngày 14 tháng 6 năm 1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Franc-Maçonnerie (Tam điểm)…” (tr. 201.)

Về việc Nguyễn Ái Quốc gia nhập hội Tam Điểm, ngoài những tài liệu của bà Thu Trang trên đây, còn có một số tài liệu chi tiết hơn của các tác giả Pháp. Một trong những người này là Jacques Dalloz. Ông viết sách Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002. Sách này trình bày đầy đủ những nhân vật Tam Điểm ở Việt Nam, trong đó có Phạm Quỳnh và Nguyễn Ái Quốc.

Riêng về Nguyễn Ái Quốc, ngoài sách trên, trong bài báo nhan đề “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale” [Người Việt trong hội Tam Điểm thuộc địa], tạp chí Revue française D'Histoire d'Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d'Histoire d'Outre-mer, tr. 105, Jacques Dalloz viết:

“Vào đầu năm 1922, do sự giới thiệu của một nhà chạm trỗ tên là Boulanger, ông ta dự lễ gia nhập của tổ Fédération universelle (Paris GODF). Phiếu của ông ta ghi là: “Nguyễn Ái Quấc, sinh ngày 15/02/1895 (Việt Nam), thợ tô sửa hình, thợ vẽ.” (tạm dịch từ nguyên bản Pháp văn là: “Au début de 1922, il s'est présenté à l'initiation de la loge la Fédération universelle (Paris GODF), recommandé par le graveur Boulanger. Sa fiche indique: “Nguyen Ai Quâc, né le 15-2-1895 (Annam), retoucheur en photo, dessinateur”.)

2. Nói sơ qua về Hội Tam Điểm (Franc – Maçonnerie do tiếng Anh: Freemasonry)

Thì đây nguyên là một hội đoàn giáo dục, nhắm truyền bá cho hội viên một triết lý sống có đạo đức.

Xuất hiện ban đầu ở Anh vào thế kỷ 17 như một nhóm nghề nghiệp (thợ nề, thợ chẻ đá). Về sau nhóm trở thành một hội đoàn hướng đến lý tưởng cao cả như bác ái (fraternity), bình đẳng (equality) và hoà bình (peace). Dần dần hội cho gia nhập cả những người giàu có hoặc có địa vị trong xã hội. Lý tưởng chấp nhận tự do tín ngưỡng và bình đẳng giữa mọi người của hội Tam Điểm đi đôi với chủ nghĩa tự do thời thế kỷ 18. Hội Tam Điểm phổ biến ở các nước nói tiếng Anh, bị Giáo hội Ky-Tô giáo La Mã chống đối, vì Giáo hội cho rằng hội Tam Điểm tranh quyền với Giáo hội. Do đó, hội Tam Điểm không được chấp nhận ở các quốc gia theo Ky-Tô giáo La Mã. Dầu vậy, dần dần hội Tam Điểm phát triển khắp nơi. Hiện nay, trên thế giới, hội Tam Điểm đông nhất là hội Hoa Kỳ, chiếm khoảng 75% hội viên toàn cầu. Có nơi hội Tam Điểm chia ra thành nhiều phái và có khi chống đối nhau.

Nhiều đời Tổng thống Mỹ, Pháp, thủ tướng, bộ trưởng, nhà văn nổi tiếng trên thế giới là thành viên của hội như Washington, Lincoln, Churchill, Allende, Napoléon; Voltaire, Montesquieu, Kipling, Pushkin…Tóm lại, hội thu hút được nhiều thành phần ưu tú trong xã hội.

3. Nguyên nhân gia nhập và rời Hội của Nguyễn Ái Quốc

– Nguyên nhân gia nhập và được gia nhập:

Nguyễn Ái Quốc vào Hội Tam Điểm ngày 24/06/1922, thì trong tháng 7, 1922, Nguyễn Ái Quốc hai lần gặp gỡ Phạm Quỳnh tại Paris, cũng là một nhân vật Tam Điểm Việt Nam. Nguyên lúc đó, vua Khải Định (trị vì 1916-1925) hướng dẫn phái đoàn Việt Nam sang dự cuộc đấu xảo (hội chợ triển lãm) ở Marseille (Pháp). Phạm Quỳnh tháp tùng theo phái đoàn này. Lúc đó, Phạm Quỳnh là một nhà báo, nghị viên Hội đồng thành phố Hà Nội, và đã gia nhập Hội Tam Điểm ở Hà Nội.

Theo lời mời của chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đến Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Địa (École Coloniale) ngày 31-5-1922 về đề tài “Sự tiến hóa về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ”. Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn lâm Pháp.
Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những “chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi”, và không nêu tên những người ông đã gặp trong nhật ký.

Tuy nhiên, trên sổ lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Thứ Năm, 13-17]: “Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)”. [Tờ lịch Chủ nhật 16-7]: “Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” [Chủ nhật 16-7] [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.]

Nguyễn Ái Quốc thời kỳ qua Pháp, tuy chỉ là thợ sửa ảnh (tức là sửa lại cho đẹp, chứ không phải thợ rửa ảnh) nhưng được kết nạp vào hội Tam Điểm, vì Nguyễn Ái Quốc lúc đó là quen Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trườn…những người sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp và đang làm việc tại Pháp. Cùng một lý tưởng “giải phóng thuộc địa”, lòng yêu nước đưa họ xích lại gần nhau.

Một số thông tin khác cho biết Nguyễn Thế Truyền và Phan Văn Trường và các huynh đệ thành viên Tam Điểm ở Hà Nội đã thấy khả năng tiềm ẩn trong Nguyễn Ái Quốc vì cũng vốn xuất thân từ gia đình nhà nho, do đó họ đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào hội. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy hội Tam Điểm là một tổ chức mang tư tưởng tiến bộ và có tinh thần bác ái huynh đệ, lại xâm nhập sâu vào nội bộ chính quyền thuộc địa, cũng như chính quyền tại Pháp nên Nguyễn Ái Quốc xin tham gia để tìm kiếm những người cùng lý tưởng hoặc có tiềm năng nhằm phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời qua việc gia nhập, Người cũng sẽ mở rộng mối quan hệ với giới tinh hoa người Việt để nắm bắt tình hình trong nước cũng như chuẩn bị nguồn lực việc kiến thiết đất nước sau khi giành lại độc lập, tự do cho Đất nước, dân tộc bằng con đường vũ trang nhân dân!

Điều này chứng tỏ là Nguyễn Ái Quốc đã đến với bất cứ tổ chức chính trị nào có tính cách tiến bộ, xuất phát từ giới lao động và đặc biệt là các tổ chức nêu cao “bác ái, bình đẳng, hòa bình”, như ước mong mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được gieo vào trái tim từ thuở còn đi học lúc mới tiếp cận với tiêu ngữ của Pháp là “Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái”. Mặc dù theo truyền thống, Hội trên chỉ dành cho giới giáo sĩ, quý tộc hoặc những nhà trí thức bác học tên tuổi v.v… thì việc Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào hội này là do được sự giới thiệu (ít nhất phải có hai hội viên cũ giới thiệu) của Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường với Boulanger.

Cần nói rõ thêm thì Nguyễn Ái Quốc tuy gia nhập Hội Tam Điểm tại Pháp nhưng thực chất chỉ là gia nhập vào chi nhánh của Hội Tam Điểm là “Hội huynh đệ Tam Điểm Phương Đông của Pháp”, chứ không phải vào tẳng Tổng bộ của hội.

– Nguyên do rời Hội Tam Điểm

Dựa trên tình huynh đệ bác ái, tự do bình đẳng, các huynh đệ Tam Điểm là người Việt Nam đã lập Đảng, lập hội như:

+ Đảng Lập hiến,
+ Đảng Lao động,
+ Đảng Việt Nam Độc lập,
+ Hội hỗ trợ những người Đông Dương,
+ Hội Khai trí Tiến Đức.

Trong đó, Hội quán Khai trí Tiến Đức do nhà văn hóa, nhà báo, học giả Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm đã từng đóng tại ngã ba Lê Thái Tổ – Hàng Trống, Hà Nội.

Có điều, các nhóm hội và đảng phái này bị lệ thuộc vào giới tinh hoa của Pháp, cũng như không có quyền tự chủ về kinh tế, thêm nữa giữa các tổ chức luôn có sự nghi kỵ, mâu thuẫn và thậm chí là nghịch nhau về chủ trương thực hiện “công cuộc giải phóng dân tộc”. Theo đó, Phạm Quỳnh chủ trương như Phan Chu Trinh là nâng cao dân trí rồi mới dùng sức ép công luận tại Pháp để buộc chính quyền thực dân Pháp phải trả lại tự do cho An Nam (Việt Nam), trong khi đó các thành viên Đảng Việt Nam Độc lập, Đảng Lao động lại chủ trương thực hiện cách mạng vũ trang như Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, thực hiện chính sách “Tam Dân” của Tôn Trung Sơn… một số hội, đảng khác thì chỉ là những tổ chức cải lương, không có bất kỳ hoạt động gì rõ ràng, chủ yếu kêu gọi quyên tiền, hoạt động in ấn báo chí kiếm lợi nhuận hoặc bán buôn những xuất sang Châu Âu du học.

Nguyễn Ái Quốc tuy không đồng tình theo các cách thức hoạt động của huynh đệ Tam Điểm Việt Nam nhưng vẫn nhận xét:

"Thời Pháp thuộc việc tham gia các tổ chức chính trị đấu tranh bài trừ thực dân, đòi dân chủ không phải là đơn giản. Trong tình thế bắt buộc, họ đã chọn con đường thỏa hiệp để chờ thời cơ."

Đến tháng 10-1922, D. D. Manuilsky, đại diện Đệ tam Quốc tế Cộng sản, từ Moscow qua Paris dự Đại hội kỳ 2 Đảng Cộng sản Pháp. Nhân đó Manuilsky mời Nguyễn Ái Quốc sang Moscow tham gia Hội nghị Quốc tế Nông dân vào năm 1923. Nhận lời mời Manuilsky, cũng như từ năm 1920 Người đã tiếp cận được với “Luận cương của V.I Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy việc ở lại Hội Tam Điểm không có lợi cho việc di chuyển tránh mật thám Pháp và phục vụ nhiệm vụ cách mạng vô sản, do nếu sang Nga thì vẫn phải báo danh với Hội Tam Điểm tại Nga và đồng thời để tránh ảnh hưởng về sau đến cơ sở do người bí mật thành lập trong Hội nên đã chủ động xin rời khỏi Hội Tam Điểm tại Pháp. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các thành viên được Người xây dựng trong Hội Tam Điểm tiếp tục công cuộc tìm, thu nạp các nhân tài từ Việt Nam sang Pháp nhằm chuẩn bị cho cách mạng xây dựng đất nước sau này (như: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo…)

Việc rời khỏi Hội của Nguyễn Ái Quốc không gặp nhiều khó khăn, do thời gian ở trong Hội thì Người chỉ chủ yếu hoạt động trong các tổ chức của người Việt cũng như việc giới lãnh đạo Hội này tại Pháp không quan tâm đến việc 01 người An Nam rời khỏi Hội. Có lẽ nếu họ biết rằng đây là Người trong tương lai sẽ đá đít Thực dân Pháp khỏi Đông Dương thì có khi họ sẽ không để yên đâu.

P/s: Các nội dung tại phân đoạn Phạm Quỳnh do do bà Phạm Thị Hoàn, thứ nữ của Phạm Quỳnh, cung cấp cho bà Thu Trang.

Nguồn: Tổng hợp