Qua khai thác tài liệu và số đối tượng VNCH bị bắt, cơ quan an ninh đã phát hiện: Sau 1968, CIA và Đặc ủy Trung ương tình báo Cộng hòa triển khai kế hoạch tình báo song phương Việt-Mỹ tên "Kế hoạch Bình Minh”, sau đổi “Kế hoạch Hải Yến”. Sài Gòn mua chuộc, khống chế, chọn trong số chiến sĩ bị bắt ở chiến trường miền Nam đưa đi huấn luyện tình báo rồi cài, trao trả để tìm cách “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ cách mạng, chống phá trước mắt và lâu dài.

Từ 1969 đến cuối 1971, CIA và Sài Gòn nghiên cứu 2.000 hồ sơ thẩm vấn, đưa về Ban Khai thác hơn 200 người và chính thức chọn, huấn luyện 8 tình báo viên, trong đó có 7 “công tác Bắc vụ” và 1 “công tác Nam vụ”. Khi Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973, Mỹ – VNCH thực hiện “Kế hoạch Hải Yến 1” tung gián điệp ra miền Bắc và “Kế hoạch Hải Yến 2” cài gián điệp lại miền Nam theo con đường trao trả. Đây là phương thức hoạt động mới của Mỹ và Sài Gòn khi xuống thang quân sự, nhưng leo thang chiến tranh gián điệp.

Chỉ đạo cuộc đấu tranh với phương thức mới của Mỹ và VNCH, Bộ Công an tổ chức hội nghị chuyên đề bàn biện pháp phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng và hướng dẫn công an các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Khu 4 cũ lập phương án phòng ngừa và đấu tranh cụ thể, tập trung mũi nhọn chống gián điệp hoạt động theo phương thức T72.

Được sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và chỉ đạo Bộ Công an, công an địa phương phối hợp với quân đội rà soát, lập danh sách số cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt ở chiến trường và được trao trả sau Hiệp định Paris. Công an tăng cường công tác, mở đợt tấn công chính trị vào các đối tượng, đẩy mạnh đấu tranh chuyên án khám phá và bắt các đối tượng trong số tình báo trở lại miền Bắc theo “Kế hoạch Hải Yến 1”, như tên:

1. Trần Minh Vũ (bí số BM105) nguyên Thiếu úy quân đội bị địch bắt, huấn luyện tình báo và trao trả ngày 19-2-1973 tại Thạch Hãn (Quảng Trị);

2. Nguyễn Song Phúc (bí số BM130), nguyên Đại úy quân đội;

3. Bùi Long Bắc (bí số BM186), nguyên Đại úy quân đội, trao trả ngày 23-7-1973 tại sân bay Thiện Ngôn (Tây Ninh).

4. Ngày 4-10-1976, phát hiện và bắt giữ Nguyễn Tiến Xuân, nguyên Trung úy Công an nhân dân vũ trang làm tình báo viên (bí số BM158) do địch trao trả tại Thiện Ngôn.

Khai thác đối tượng bị bắt, cơ quan điều tra nắm được:

Nguyễn Tiến Xuân, sinh ngày 23-8-1935 ở Trấn Yên, Yên Bái, tham gia cách mạng năm 1953. Từ 1954 đến 1959, Xuân nhập ngũ, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tháng 2-1968, Xuân vào miền Nam công tác tại Ban An ninh vũ trang Khu 2, được phong Trung úy, làm Trợ lý Tham mưu Tiểu ban An ninh vũ trang. Tháng 7-1969, trong một chuyến công tác, Xuân bị VNCH bắt tại ấp 9, Mỹ Chánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Bị dụ dỗ, khống chế, Nguyễn Tiến Xuân đã nhận làm việc cho VNCH và đưa đi huấn luyện tình báo, bố trí trong “Kế hoạch Hải Yến 1”.

Theo kế hoạch, VNCH cài Xuân trong số người được trao trả tại Thạch Hãn để ra miền Bắc. Nhưng vì có sự trục trặc nên Xuân được trao trả tại Tây Ninh và về công tác tại An ninh tỉnh Tiền Giang. Ở đây, Xuân đã làm đơn xin chuyển ra Bắc công tác, đang đợi Ban đại diện Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tại Sài Gòn giải quyết thì bị bắt.

Tháng 4-1977, qua nghiên cứu hồ sơ VNCH để lại, khai thác số đối tượng trước đây làm Phủ đặc ủy Trung ương tình báo bị tập trung cải tạo, Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra, bắt Nguyễn Tấn Đức (bí số N001) là tình báo viên VNCH trong “Kế hoạch Hải Yến 2” hoạt động “công tác Nam vụ”. Được quần chúng cung cấp tin tức về hoạt động bất thường trước đây, Quận ủy Tân Bình đã xác minh và thấy rằng: “Đức đã bị địch bắt, đầu hàng khai báo cho địch”. Qua điều tra, Nguyễn Tấn Đức đã nhận tội là tình báo viên trong “Kế hoạch Hải Yến”.

Những đối tượng còn lại trong “Kế hoạch Hải Yến” của CIA và Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn có người bị phát hiện, có người vì lo sợ đã tự thú. Việc khẩn trương điều tra, phát hiện số tình báo viên cài cắm vào nội bộ theo phương thức trao trả T72 đã góp phần bảo vệ an toàn nội bộ, góp phần làm thất bại âm mưu tình báo hậu chiến của Mỹ và chế độ cũ.

Ảnh: Trao trả tù binh tại Thạch Hãn 1973.

Tham khảo: Những trang sử vẻ vang của Lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam anh hùng.

-Hoai Thu Nguyen-

Nguồn: Tổng hợp