Trong một thập kỷ gần đây, Thâm Quyến nổi rần rần như một " Thung lũng Silicon của châu Á", với nguồn hàng điện tử dồi dào, từ authentic, super fake, fake 1, fake 2… fake n Có dịp ghé Thâm Quyến, các bạn có thể đến thăm chợ công nghệ lớn nhất thế giới Hoa Cường Bắc( Huaqiangbei), khu chợ này đang tập trung khoảng hơn 20 trung tâm thương mại lớn nhỏ với tổng diện tích lên đến gần 70 triệu m2 (đi 3 ngày không hết chợ nhé )

Theo thống kê, 90% thiết bị điện tử của thế giới được sản xuất tại Thâm Quyến. Hàng chục nghìn nhà máy, 5.000 nhóm tích hợp sản phẩm và hàng nghìn xưởng thiết kế, thành phố nay đã trở thành cửa ngõ của những thứ liên quan tới mạch điện, chip, đèn LED và màn hình cảm ứng.

Thâm Quyến có mạng lưới tập trung hàng chục nghìn nhà máy và các xưởng sản xuất hàng nhái chuyên nghiệp. Các sản phẩm bắt chước mẫu mã thường được gọi bằng cái tên "shanzai". Theo giới phân tích, chính "shanzhai", chứ không phải Apple, là thủ phạm khiến các "tượng đài công nghệ" về điện thoại di động như Motorola và Nokia sụp đổ.

Shanzhai là hệ sinh thái cộng tác bao gồm các nhà sản xuất sẵn lòng làm bất cứ sản phẩm nào dễ bán. Nếu là điện thoại, thì đó sẽ là iPhone hoặc các thương hiệu smartphone "hot" khác. Tất cả thiết kế, danh sách vật liệu và quy trình sản xuất đều được các nhà sản xuất chia sẻ với nhau. Chi tiết hơn, mời các bạn ghé đọc bài viết "Vén màn những bí mật về mô hình thương mại điện tử của Alibaba", mình đã viết rất rõ mô hình của các xưởng và công ty thương mại bên này

Ở đây, hoàn toàn không có khái niệm về sở hữu trí tuệ. Họ có thể phát triển, sản xuất, bán ra thị trường những sản phẩm mà không có bất cứ thương hiệu (theo đúng nghĩa) nào có thể làm được. Đây là lực lượng hùng hậu có lúc lên tới 25.000 công ty, sản xuất 1/4 điện thoại di động cho cả thế giới.

Tuy nhiên, shanzhai không đơn thuần chỉ có nhái y nguyên sản phẩm. Họ cũng tìm cách cải tiến và chỉ nhái những điểm mạnh, đồng thời biết cân đối với chi phí bỏ ra. Dễ nhận thấy nhất là những chiếc điện thoại 2 SIM, loa ngoài cực lớn, tích hợp đèn UV để phát hiện tiền giả, và pin có thể dùng hơn một tuần. Đó là những cải tiến rất đáng học hỏi và hoàn toàn có sự sáng tạo. Đáng kể nhất là sự phát triển vượt bậc về màn hình điện tử, màn hình quảng cáo. Các dòng LCD lẫn LED, những máy tự thanh toán kết hợp bản đồ, chạy các phần mềm như một máy tính hoàn chỉnh hay những màn LED lượn sóng ở các sân khấu lớn, trung tâm thương mại cao cấp thực sự sẽ khiến bạn phải ố á.

Cứ đưa cho người Trung ý tưởng, họ sẽ làm sản phẩm của bạn hoàn thiện, thậm chí là tốt hơn cả bạn kỳ vọng! Tuy nhiên cũng phải cảm ơn những ý tưởng từ các nước phát triển, các sản phẩm sau đó trở thành cảm hứng để họ sáng tạo các chức năng mới hơn, hay ho và bắt mắt hơn rất nhiều.

Quay trở lại với hệ sinh thái shanzhai, nó đã tạo ra nhiều thương hiệu đổi mới toàn cầu. Chỉ cách đây 5 -7 năm, các nhà sản xuất điện tử Trung Quốc luôn bị coi là lừa đảo với lợi thế duy nhất là sản phẩm giá rẻ, 70% smartphone bán tại Trung Quốc thời đó là từ 3 thương hiệu nước ngoài. Nhưng giờ đây, tất cả đã thay đổi, 8 trong tổng số 10 thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc là công ty Trung Quốc. 03 trong số này đang đứng trong top 6 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Chất lượng cải thiện cộng với marketing được thực hiện tốt hơn đã giúp nâng cao đáng kể vị thế của thương hiệu smartphone Trung Quốc.

Dưới thời Tập Cận Bình, chính sách cũng chuyển dịch theo hướng hỗ trợ phát triển khu công nghệ cao trưởng thành hơn. Chính phủ khuyến khích sáng tạo và tăng trưởng kinh tế theo hướng mới. Các nhà sản xuất hiểu điều đó có nghĩa là phải tự đổi mới, tìm hướng đi mới để không mang tiếng copy ý tưởng nước ngoài.

Vài năm trở lại đây, Thâm Quyến đã cung cấp nhiều khoản hỗ trợ lớn cho các ý tưởng đổi mới, trong đó có hội thảo chia sẻ ý tưởng, các khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, ủng hộ thiết bị cho các hội chợ công nghệ và thu hút sự quan tâm nhiều hơn của giới truyền thông.

Từ đây người Tàu dùng hàng Tàu, với những Baidu thay thế Google, Weibo, Sina thay thế Facebook, Twitter, Youku thay thế Youtube… Đặc biệt, sự ra đời của Wechat như một cú hit lớn trong nền cách mạng công nghệ 4.0, made by Chinese. Cùng với đó là các trung tâm đổi mới như Hax, Shenzhen Open Innovation Lab và Chaihuo, giúp cung cấp sự hỗ trợ cho các nhà đổi mới công nghệ trên khắp thế giới muốn khởi nghiệp từ Thâm Quyến…

Trích từ bài viết: Thâm Quyến tuổi 40: Từ "công xưởng của thế giới" cho đến "thung lũng Silicon châu Á"

Tác giả : Sweetie Cherish (Spiderum)

Nguồn: Tổng hợp