Dự kiến trong tuần tới, nam bệnh nhân 50 tuổi – người bị lây nhiễm trong chùm 6 người nhiễm bệnh từ nguồn lây là bệnh nhân N.T.D. – sẽ được ra viện, đây là bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của Việt Nam.

Trong khi nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong chống dịch, gần nhất là Hàn Quốc, số người nhiễm đã tăng lên nhanh trong 3 ngày vừa qua, một số quốc gia ngoài Trung Quốc có người tử vong thì Việt Nam đã 8 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, điều trị khỏi bệnh cho 15/16 bệnh nhân, bệnh nhân còn lại tiến triển tốt.

Tại cuộc họp trực tuyến do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp “chưa có tiền lệ” để chống dịch, kết quả nhận được hiện rất khả quan.

Nhiều biện pháp chưa có tiền lệ

Ông Long cho biết so với hồi chống dịch SARS năm 2003, các biện pháp chống dịch COVID-19 đã mạnh hơn rất nhiều.

“Ở dịch SARS 2003 chúng ta chỉ cách ly người bay chung 1 chuyến bay và dỡ bỏ lệnh cách ly sớm, còn lần này quân đội đã vào cuộc ngay từ đầu. Cách ly đủ 14 ngày với những người nghi nhiễm, người đến hoặc đi qua vùng dịch.

Chúng ta cũng áp dụng những biện pháp rất mạnh như người từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đến Việt Nam là coi như người bệnh, cách ly như người bệnh ở mức độ cao nhất là cách ly tại cơ sở y tế” – ông Long cho biết.

Ông Long cũng chia sẻ những biện pháp sử dụng tại Việt Nam sau này cũng đã được áp dụng tại một số nước, như Mỹ chỉ cho máy bay liên quan vùng dịch hạ cánh ở 3 sân bay thì Việt Nam cũng đã có quy định chỉ cho hạ cánh xuống Vân Đồn (Quảng Ninh), Việt Nam cũng quyết định dừng tổ chức các lễ hội, thu nhỏ quy mô lễ hội… đã khai mạc từ rất sớm.

“Kiến thức khoa học kỹ thuật thời điểm 2003 chưa bằng hiện nay, mất 4 tháng mới giải mã được bộ gen của virus SARS, nay chỉ 14 ngày có bộ gen. Hiện có 3.000 chiến sĩ biên phòng đang chốt ở tất cả các đường mòn lối mở, mỗi hai giờ có báo cáo về Ban chỉ đạo chống dịch. Các biện pháp quan trọng nhất là phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị, quan trọng nhất là cách ly, chúng ta đã làm rất nghiêm yêu cầu cách ly với 4 vòng” – ông Long cho biết.

Nhiều cơ sở có thể xét nghiệm

Thay vì phải chờ đợi và “tắc nghẽn” xét nghiệm vì số mẫu chờ đợi quá nhiều (thời gian xét nghiệm mỗi mẫu từ 5,5 – 9 giờ), ông Đặng Đức Anh – viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nơi phân lập được virus corona chủng mới – cho biết hiện viện đã gửi “chứng dương”, mẫu virus chuẩn để so sánh khi xét nghiệm, cho nhiều cơ sở xét nghiệm ởHà Nội, Quảng Ninh, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang…

Ông cũng cho biết đến nay Hà Nội, Quảng Ninh đã triển khai được xét nghiệm xác định bệnh, nhiều tỉnh thành khác cũng có thể làm xét nghiệm này và chỉ gửi mẫu khẳng định tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nếu mẫu đó là dương tính.

Về quy trình, thời gian xét nghiệm thì không thay đổi, nhưng Việt Nam phân lập được virus, có “chứng dương” gửi các cơ sở xét nghiệm, chủ động được nếu số mẫu nghi nhiễm tăng cao” – ông Đức Anh chia sẻ.

Được Mỹ đánh giá cao và tin tưởng Việt Nam sẽ chống dịch hiệu quả

Liên quan tới tình hình dịch COVID-19, các quan chức Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) cũng như CDC ngày 19-2 đã có cuộc họp với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, phía Mỹ đã có những đánh giá tích cực đối với năng lực y tế của Việt Nam cũng như riêng khâu kiểm soát dịch COVID-19.

Được biết giám đốc Văn phòng châu Á – Thái Bình dương của HHS Erika Elvander và chuyên gia y tế trưởng CDC Mitchell Wolfe tại cuộc gặp trên đã đánh giá cao năng lực ứng phó dịch COVID-19 của phía Việt Nam.

“Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay.

Do đó, phía Mỹ tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả. Phía Hoa Kỳ cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả của Việt Nam khi thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác phòng dịch bệnh”, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thông tin.

Dịch COVID-19 đang là mối quan tâm chung và xuất hiện trong chương trình nghị sự của các cuộc họp quốc tế. Tại Mỹ, Đài CNN ngày 22-2 dẫn số liệu của CDC xác nhận có tổng cộng 35 trường hợp nhiễm virus chủng corona mới.

Tại cuộc họp với Đại sứ quán Việt Nam, phía Mỹ cho hay các nhà khoa học nước này đang tích cực phối hợp nghiên cứu về chủng virus corona mới nhằm tìm hiểu bản chất, cơ chế hoạt động và đề ra biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả.

Các quan chức y tế Mỹ cũng nói rằng hiện nay, một số phòng thí nghiệm tại Mỹ đã phát triển văcxin dự kiến thử nghiệm trên người trong vòng 2 tháng tới và có thể đưa ra sử dụng trong 6 tháng đến 1 năm tới.

Nguồn: Tổng hợp