Một cách dễ hiểu, chính sách hình sự đặc biệt sẽ xuất hiện trong tình huống đặc biệt. Tuy nhiên, liệu có phải nó là một thỏa thuận chỉ điểm – giảm án hay không? Chúng ta sẽ cùng phân tích trong bài viết này với trường hợp của bị can Phạm Nhật Vũ (em trai tỷ phú giàu nhất Việt Nam – Phạm Nhật Vượng). Nếu được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phải chăng ông Vũ sẽ thoát án cao nhất?

Khi nào áp dụng chính sách hình sự đặc biệt?

Rất nhiều vụ án tham nhũng đã rơi vào thế bế tắc khi người được cho là nhận hối lộ lắc đầu. Đó là khi có lời khai của người đưa hoặc bằng chứng trung gian từ kiểm quỹ, lời khai bên thứ ba. Khi người nhận lắc đầu thì người đưa lãnh đủ để cả tội và đền bù thiệt hại.

Vụ án logo xe vua là một thí dụ thú vị vì chỉ có người đưa hối lộ mà không có người nhận

Tại bản án sơ thẩm tháng 10/2018 của TAND TPHCM, từ tháng 1/2014-8/2015, bị can Thới, Vân và các đồng phạm đã cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên những tuyến đường thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM góp tiền đưa hối lộ cho TTGT, CSGT để không bị xử phạt khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Các bị cáo Thới, Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”; Vân in logo chữ “xe chở hàng” để bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra.

Bị cáo Thới và Thái đã bán được khoảng 15.000 lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỷ đồng và một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ. Thới đưa hối lộ 79 lần với tổng cộng 5 tỷ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng. Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho cán bộ thuộc Đội 1, Phòng CSGT – Công an tỉnh Đồng Nai 1,2 tỷ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT khác.

Thới và Thái đưa cho các đội, trạm thuộc lực lượng CSGT, TTGT các địa phương nói trên 1,3 tỷ đồng. Thái có 39 lần đưa hối lộ 2,2 tỷ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỷ đồng Thới đã sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỷ đồng…

Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân, môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần. Thới cũng khai đã đưa hối lộ 79 lần gần 5 tỷ đồng cho nhiều cán bộ TTGT, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, lần đưa ít nhất 9 triệu đồng, nhiều nhất 105 triệu đồng. Vân có 16 lần đưa hối lộ, mỗi lần đưa ít nhất 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.

Án sơ thẩm tuyên phạt cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù; Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) 14 năm tù; Trần Quốc Thái (47 tuổi) 10 năm tù; Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) 9 năm tù. Các bị cáo còn lại lãnh từ 1 năm 6 tháng tới 4 năm tù về các tội “Đưa hối lộ”“Môi giới hối lộ”.

Trong đơn kiến nghị, các luật sư (LS) Nguyễn Thị Huyền Trang, Lê Thị Bích Chi và Phạm Thành Luân ( Đoàn LS TPHCM) cùng bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Minh Thiên, Mai Văn Thái Em và Nguyễn Văn Phúc trong vụ án cho rằng, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Cẩm Vân đã khai và nhận diện được một số cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) nhận tiền hối lộ của bị cáo.

Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra đã không làm rõ hành vi của các đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, đảm bảo vụ việc được xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, các LS kiến nghị trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng cần tiến hành hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng làm rõ người đã nhận hối lộ là ai, đồng thời xác định lại trách nhiệm hình sự của bị cáo Lê Thị Cẩm Vân và các đồng phạm theo đúng quy định của pháp luật và chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Trở lại vụ án Mobifone mua AVG, ông Phạm Nhật Vũ và các bị can là doanh nghiệp dù sao cũng tỏ ra đàng hoàng hơn các bị cáo là cán bộ, khi khai báo thành khẩn, nộp lại số tiền chiếm đoạt. Còn ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ nộp lại 500 triệu đồng trong số hơn 3 triệu đô la nhận hối lộ.

Tác giả Nguyễn Đức Minh có bài phân tích vì sao cần có chính sách hình sự đặc biệt, xin trân trọng giới thiệu:

Chính sách hình sự đặc biệt hay thỏa thuận chỉ điểm – giảm án?

Nói thật là mình cũng không biết chính sách hình sự đặc biệt là gì. Nhưng mình phỏng đoán đó là một “thoả thuận chỉ điểm – giảm án”.

Chính quyền ở tất cả các nước trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng tội phạm có tổ chức. Những băng nhóm tội phạm này luôn có một ông trùm chỉ đạo toàn bộ hoạt động. Nhưng cảnh sát hiếm khi nào tìm được chứng cứ nào chống lại ông trùm đó. Cảnh sát chỉ có thể bắt được những tên tay chân và việc đấu tranh để những tên này khai ra ông trùm gần như vô vọng.

Một tên tội phạm sẽ luôn cân nhắc xem có nên khai ra đồng bọn hay không. Nếu khai ra, hắn sẽ đối mặt với nguy cơ bị trả thù. Mà kể cả không bị trả thù thì cũng bị coi là “chơi không đẹp” và cũng chẳng hay ho gì.

Đương nhiên, cảnh sát và công tố luôn động viên: “Hãy thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.” Nhưng lời hứa này có vẻ xa vời. Tội phạm sẽ đặt câu hỏi: Khoan hồng là giảm án thế nào? Ai bảo đảm là sẽ được giảm án? Nếu không được giảm thì tôi biết làm sao? Liệu có tin được gã cảnh sát này không?

Kể cả trong trường hợp điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra, công tố viên (kiểm sát viên) và kể cả thẩm phán xử vụ đó mà hứa hẹn là sẽ giảm án, kể cả khi lời hứa được lập thành văn bản, thì sau khi tội phạm đã thành khẩn khai báo, người ta vẫn có thể lật lọng và coi văn bản đó vô giá trị, án vẫn nặng như cũ.

Do đó, để khuyến khích tội phạm khai báo, nhiều nước trên thế giới đã công nhận cái được gọi là “thoả thuận chỉ điểm – giảm án”. Bản chất là việc pháp luật ghi nhận giá trị pháp lý của thoả thuận giữa cơ quan tố tụng và bị cáo về việc bị cáo sẽ khai ra tội phạm khác đổi lại việc giảm án, hoặc miễn án cho bị cáo đó.

Phạm Nhật Vũ và các bị can trong vụ Mobifone mua AVG

Trên thực tế, các nước khác sử dụng biện pháp này rất nhiều. Cùng với Chương trình bảo vệ nhân chứng, đây được coi là con át chủ bài của hệ thống tư pháp hình sự Hoa kỳ từ những năm 1970 để chống lại tội phạm có tổ chức. Nói thêm một chút, Chương trình bảo vệ nhân chứng sẽ cung cấp cho người đã khai báo một nhân thân mới, chỗ ở mới, lý lịch mới để tránh việc bị trả thù.

Tại Việt Nam, mình cũng đã từng nghe nói những vụ việc buôn bán ma tuý áp dụng thoả thuận kiểu này. Nghe nói có vụ việc tội phạm đã thoả thuận được giảm án từ tử hình xuống chung thân để đổi lại việc khai báo. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận chính thức loại thoả thuận này, cũng chưa có những biện pháp bảo vệ nhân chứng hữu hiệu, nên vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin cho những tên tội phạm trong việc chỉ điểm.

Chúng ta vẫn thường thấy nghe nói trường hợp bắt được hàng lậu nhưng người bị bắt nói là không biết người thuê chở. Chị Huyền Như cũng nói là ra vườn hoa gặp người lạ mua con dấu giả…

Trong quá trình xây dựng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, nhiều ý kiến đã đề xuất chính thức hoá về thoả thuận chỉ điểm – giảm án, thậm chí cả những chương trình bảo vệ nhân chứng. Nhưng ý kiến phản đối rất nhiều vì người ta quan ngại việc trao quyền cho cơ quan tố tụng thoả thuận với tội phạm thì sẽ là mồi ngon của tham nhũng, tiêu cực.

Quay trở lại vụ AVG, ông Vũ đã chấp nhận khai báo việc đưa hối lộ, từ đó giúp phát giác được tội phạm nhận hối lộ, loại tội phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bộ Công an cũng đã đề xuất chính sách hình sự đặc biệt cho ông Vũ khi lượng hình. Có vẻ điều này đã được thống nhất rất cao.

Với một vụ việc nghiêm trọng như AVG, thì khả năng rất cao là phải có thoả thuận chỉ điểm – giảm án từ trước thì ông Vũ mới nhanh chóng khai nhận như vậy. Nếu có, thì thoả thuận này chắc hẳn phải được đưa ra từ cấp rất cao và có sự thống nhất trong toàn bộ các cơ quan tố tụng. Một thực tiễn tốt cho thấy rằng, nếu nhà nước sạch thì nhà nước đó sẽ giữ được niềm tin của doanh nghiệp, của người dân, và niềm tin của cả những tên tội phạm.

Nhà báo Hoàng Linh / Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: Tổng hợp