Đầu thú sau gây tai nạn, tôi có được giảm hình phạt?

Tông xe vào một phụ nữ, vì quá hoảng loạn nên tôi có bỏ trốn khỏi hiện trường. (Minh Vũ)

Thời điểm gây tai nạn là 22h, trên đường không có ai nên không ai biết. Mấy hôm sau đó tôi có quay lại đây dò hỏi thì được biết người bị đâm nhà ở gần đó, đang nằm trong viện trong tình trạng hôn mê.

Tôi rất hối hận, muốn được lo cho đứa con 5 tuổi của chị. Nếu giờ tôi ra đầu thú, tôi sẽ phải chịu hình phạt thế nào? Có được giảm nhẹ tội hay không?

Luật sư trả lời

Theo điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

Nếu bạn điều khiển xe có lỗi, vi phạm các quy định về an toàn giao thông hoặc các căn cứ nêu tại khoản 2 điều 260 Bộ luật hình sự, khiến nạn nhân bị sống thực vật, nhiều khả năng hành vi gây tai nạn của bạn sẽ bị xem xét xử lý hình sự.

Việc bỏ trốn vì quá hoảng sợ nhưng sau đó không đến trình báo cơ quan công an gần nhất được xác định là hành động trốn tránh trách nhiệm. Đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo điều 38 Luật Giao thông đường bộ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông:

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Hành động đầu thú của bạn sẽ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm mức hình phạt khi bạn bị kết án.

Do tình tiết sự việc không được nêu chi tiết nên luật sư không thể tư vấn cụ thể và chính xác các trách nhiệm pháp lý bạn phải gánh chịu. Tuy nhiên dựa trên liệt kê, phân tích trên đây mong rằng bạn có những lựa chọn thông minh, phù hợp tránh những thiệt hại không cần thiết cho bản thân mình, và có thể lo lắng cho tương lai của cháu bé 5 tuổi, con của người bị tai nạn.

Luật sư Quách Thành Lực
Công ty Luật TNHH LSX

Nguồn: https://vnexpress.net/phap-luat/dau-thu-sau-gay-tai-nan-toi-co-duoc-giam-hinh-phat-3970895.html