GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng sách giáo khoa theo chương trình mới nếu không được tăng giá sẽ khiến NXB bị lỗ, tác phẩm sẽ không đến được với học sinh.

Chiều 5/3, tọa đàm Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Thuận lợi và thách thức được tổ chức tại Hà Nội. Trong đó, thông tin về giá sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều người quan tâm.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi những đơn vị đang chuẩn bị xuất bản sách giáo khoa mới là NXB Giáo Dục Việt Nam, NXB Đại Học Sư Phạm, NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM về việc đề nghị không tăng giá SGK so với chương trình hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, SGK mới được trình bày, in ấn đẹp so với sách hiện hành nên phải có giá cao hơn.

sach1-1

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – đại diện nhóm làm sách giáo khoa Cánh Diều. Ảnh: Báo Lao động.

Ông Ngô Trần Ái – Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam nêu quan điểm – SGK là văn hóa đặc biệt, cũng là hàng hóa, cần tuân theo luật kinh tế thị trường. SGK mới đẹp, bắt mắt, khổ sách lớn và in nhiều màu hơn sách cũ. Vì vậy nếu để sách theo giá cũ sẽ bị lỗ, không thể làm được

Được biết đơn vị này đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề về giá.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên sách giáo khoa Cánh diều cho rằng – giá SGK là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn, vì vậy các NXB cần tính toán kỹ. Giá sách lên tới 200.000 đồng đến 250.000 đồng/bộ không phải cao so với chi tiêu của một gia đình.

Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn được chính sách hỗ trợ. Ví dụ, dự án đổi mới chương trình SGK mới sử dụng 4,5 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới để cung cấp sách từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh vùng khó.

Chuyên gia này nêu những hình ảnh trong SGK không phải minh họa mà là công cụ để học. Nếu sách Mỹ thuật hay Toán, Tiếng Việt không có màu sắc thì không thể học được.

Ông nêu rõ quan điểm: “Nhà nước định giá sách chương trình mới bằng sách hiện hành thì sẽ không ai làm bởi sẽ bị lỗ. Khi đó NXB sẽ không in sách, tác phẩm sẽ không đến được với học sinh”.

sach3-3269459

ảnh minh họa

Bà Ngô Thị Minh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng về giá SGK cần hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người cung cấp sách và nhu cầu của người sử dụng. Nhóm được nhà nước bao cấp sẽ sử dụng sách như thế nào? Ví dụ miễn phí hoặc hỗ trợ nhà trường mua sách rồi cho học sinh thuê, quay vòng cho khóa sau tiếp tục học lại.

Về phía đơn vị cung cấp, cần có định hướng của Nhà nước về việc đầu tư chừng mực ở mức độ nào nếu không cho phép giá vượt sách hiện hành. Bởi nội dung của sách, trí tuệ hội tụ của tri thức là điều quan trọng nhất. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng để thích ứng thị trường. Nếu giá sách quá cao không phù hợp với thu nhập của người dân hiện tại thì rất khó thực hiện.

Nguồn: Tổng hợp