Năm học 2019-2020, 225.880 trẻ mầm non và học sinh lớp một tại 10 quận, huyện TP HCM được uống 180 ml sữa mỗi ngày đến trường.

Ngày 20/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM triển khai đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018–2020.

Từ đầu năm học này, trẻ mầm non, học sinh lớp một các trường công lập, ngoài công lập; các lớp mẫu giáo độc lập tư thục; trẻ thuộc các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập đang học tại các trường tham gia đề án sữa học đường được uống một hộp sữa 180 ml mỗi ngày với 5 lần một tuần.

Chương trình được áp dụng năm đầu tiên tại các quận, huyện: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh.

Trước đó, tại kỳ họp bất thường khóa IX ngày 8/10/2018, HĐND TP HCM thông qua đề nghị của UBND thành phố về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách, thực hiện đề án sữa học đường.

Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 là 1.134 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 348 tỷ đồng, cha mẹ học sinh trên 547 tỷ và doanh nghiệp cung cấp sữa trên 239 tỷ.

Cơ cấu dự toán kinh phí chương trình Sữa học đườnggiai đoạn 2018-2020Phụ huynh đóng gópPhụ huynh đóng gópNgân sáchNgân sáchDoanh nghiệp sữa hỗ trợDoanh nghiệp sữa hỗ trợ

Theo kế hoạch của UBND TP HCM từ đầu tháng 3 năm nay, đề án sữa học đường được triển khai từ học kỳ 2 năm học 2018–2019 với trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp một tại 10 quận, huyện.

Sở Y tế TP HCM sau đó đề xuất xin dời thời gian thực hiện đề án sang học kỳ 1 năm học 2019-2020. Bởi thời gian thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định trung bình 100 ngày, thực hiện không kịp trước khi hết năm học.

Tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp bất thường) hồi tháng 5, HĐND TP HCM thống nhất lùi thời gian thực hiện chương trình sữa học đường thêm một học kỳ.

Học sinh lớp một tại TP HCM trong ngày tựu trường năm học 2019-2020. Ảnh: Mạnh Tùng.

Học sinh lớp một tại TP HCM trong ngày tựu trường năm học 2019-2020. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tập huấn lãnh đạo các phòng giáo dục, trường, giáo viên phụ trách đề án. Sữa học đường sẽ được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mỗi trường phải bố trí nơi tiếp nhận và kệ đựng sữa đúng tiêu chuẩn.

Mục tiêu của UBDN TP HCM đặt ra cho chương trình Sữa học đường là 100% phụ huynh, người chăm sóc học sinh; 90% trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (các trường công lập, ngoài công lập) và trẻ học lớp mẫu giáo độc lập tư thục tham gia đề án.

Chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, tỷ lệ protein động vật, protein tổng số khẩu phần trẻ em tham gia đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 4,4%; thể thấp còi dưới 6,8%. Sữa được dùng là loại tiệt trùng có đường hoặc không đường.

Mạnh Tùng

Nguồn: https://vnexpress.net/giao-duc/hon-225-000-tre-tp-hcm-duoc-uong-sua-hoc-duong-trong-nam-hoc-moi-3970500.html