Dư luận đang xôn xao trước thông tin huyện Yên Định (Thanh Hóa) nợ khoảng 50 tỷ đồng chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 – 2015 khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện, hiện cả hai vị này đã nghỉ hưu.

Theo tìm hiểu, những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như: Nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

Sáng 16/3, trả lời VTC News, ông Đầu Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, hiện huyện đang cho kiểm tra, rà soát các khoản nợ mà một số tờ báo phản ánh.

Theo báo cáo của các anh em thì đó là số tiền do các anh em tự bỏ ra chi, từ những nhiệm kỳ trước. Hiện chúng tôi đang cho các cơ quan chức năng rà soát lại, sau đó chúng tôi sẽ thông tin chính thức sau“, Bí thư Huyện ủy Yên Định nói.

Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: P.T)

Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: P.T)

Không những nợ chi tiêu, mà huyện này còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi vào việc khác.

Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra, … đều lâm vào cảnh bị UBND huyện, Huyện ủy “nợ tiền”.

Theo thống kê sơ bộ, UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng.

Liên quan đến thông tin Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) mắc nợ nhiều cá nhân số tiền hàng chục tỷ đồng, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Hoa, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định để nắm rõ thêm thông tin này.

Bà Ngô Thị Hoa, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định

Bà Ngô Thị Hoa, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa

– Bà đã nghe thông tin về khoản nợ tiền tỷ của UBND huyện thời điểm bà đương kim chủ tịch huyện?

Tôi cũng nắm qua thông tin báo chí nêu như vậy. Đúng là thời điểm đó tôi đang làm Chủ tịch UBND huyện, nhưng về quản lý, tôi chỉ điều hành cấp ngân sách theo dự toán đã được tỉnh duyệt.Còn cụ thể chi tiêu thế nào là do hai văn phòng (Văn phòng Huyện ủy, UBND huyện) vì ở huyện có bao nhiêu văn phòng chứ đâu phải mình Huyện ủy, UBND huyện đâu.

Những khoản chi tiêu khác (tiếp khách, ăn uống…) là do hai văn phòng, còn phòng tài chính chỉ tham mưu cho tôi trình ký, cấp (tài chính) cho các văn phòng căn cứ vào dự toán được duyệt.

Riêng việc chi tiêu cụ thể phải do thủ trưởng cơ quan của hai cơ quan (bên UBND huyện là Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách thủ quỹ cơ quan). Tôi chỉ phụ trách chung về việc cấp dự toán được duyệt thôi.

– Được biết, thông tin tình trạng nợ nần tài chính tại huyện kéo dài qua năm này, đến năm khác. Vậy trong thời gian đương kim Chủ tịch huyện, liệu bà có nắm được thông tin này không?

Thời điểm đó, huyện đang xây dựng nông thôn mới, có những khoản phát sinh cả tập thể đều biết và cũng đưa ra biện pháp giải quyết, nhưng những năm đó huyện không có nguồn thu.

Lúc đó vì trách nhiệm chung xây dựng nông thôn mới, anh em thấy công việc thì cứ phải làm. Ví dụ, khách đến thì văn phòng lo tiếp khách, các Phó Chủ tịch liên quan tới mảng nào thì cứ điều hành, xử lý công việc như vậy.

– Tại sao bà biết nhưng không báo cáo Thường vụ để xin hướng xử lý?

Có chứ, có (báo cáo) cả Thường trực và Thường vụ. Tôi cũng nói với anh Thắng – Bí thư Huyện ủy để tìm giải pháp. Lúc đó, anh Thắng cho rằng, công việc thì cũng cứ phải làm, chẳng lẽ do “định mức” (ngân sách) thấp mà mình lại ngồi, không làm việc.

Tôi cũng đề xuất hạn chế việc này (chi tiêu), anh Thắng cũng biết nhưng sau đó cũng không xử lý gì.

Ngoài ra, thời điểm xây dựng nông thôn mới nên nguồn thu tập trung vào các xã hết. Chi thường xuyên theo dự toán tỉnh duyệt, mình nếu có tăng thu thì cũng không đáng kể.

Công việc chung thì tập thể bàn, tập thể quyết. Khi dự toán chuyển đến tôi thì tôi chuyển cho tài chính căn cứ vào nguồn vốn đã duyệt, tham mưu trình Chủ tịch UBND dân xem xét.

Những khoản tồn đọng vì phát sinh, có thể vài tháng sau anh em mới trình lên cho tôi. Tôi cũng chỉ chuyển phòng tài chính tham mưu, có gì báo cáo lại chứ tôi không quyết và không có chức năng quyết ngoài dự toán.

Nếu khoản ngoài dự toán phải đưa ra tập thể bàn chứ làm gì mình được quyết. Sau đó tài chính không thấy trình lại. Hồ sơ hiện đang nằm phòng tài chính chứ bản thân tôi cũng không biết (nợ) nó bao nhiêu cả. Tôi chỉ phụ trách điều hành chung chứ nắm sao hết được.

– Với khoản tiền tiếp khách, bà có biết, hoặc có “động viên” anh em cơ quan bỏ tiền túi ra để tiếp khách sau đó sẽ cân đối để hoàn lại không?

Cũng có cái tôi tham gia tiếp khách thì tôi biết. Ví dụ tôi báo ngày hôm nay có khách A, B thì thông tin lại cho Chánh Văn phòng chuẩn bị. Sau này tổng hợp lại mới biết chi vượt dự toán. Còn tôi chỉ điều hành tài chính cấp dự toán 1 lần. Còn nhiều cái (chi khác) tôi không tham gia.

– Có ý kiến cho rằng, việc huyện chi tiêu nhiều và có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tài chính như vậy có trách nhiệm của bà với tư cách là Chủ tịch huyện thời điểm đó?

Trách nhiệm cụ thể thế nào phải được làm rõ theo quy định của Luật Ngân sách. Tôi có duyệt ngân sách cấp ngoài dự toán đâu. Còn công việc cụ thể thì đã phân cấp, phân quyền, ai làm việc gì ra việc đó. Tôi có điều hành từng cái xe, cái cộ đâu mà biết.

Cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này!

Được biết, trước đó vào năm 2017 bà Ngô Thị Hoa đã bị kỷ luật cảnh cáo vì tổ chức thi tuyển nhưng không công khai, tuyển người điểm thấp, loại người điểm cao, tuyển thừa hàng chục người…

Cụ thể, bà Ngô Thị Hoa đã trực tiếp ký quyết định chuyển ngạch từ viên chức sang công chức 8 người, không báo cáo Sở Nội vụ và UBND tỉnh; các năm 2012, 2014 và 2015, tuyển dụng công chức theo hình thức thi tuyển nhưng không công khai thông báo tuyển dụng, ban hành quy định cá biệt; tuyển dụng người có điểm thi thấp hơn và loại người điểm cao hơn.

Ngoài ra, bà Hoa ký tuyển dụng 11 viên chức bằng hình thức xét tuyển, nhưng không công khai, không thành lập hội đồng tuyển dụng viên chức, vi phạm quy định về tuyển dụng viên chức; nhiều đơn vị trực thuộc UBND huyện đang thừa cán bộ vẫn tuyển dụng; tuyển dụng và bố trí 7 người có bằng cấp chăn nuôi, thủy sản làm địa chính, không đúng chuyên ngành…

Việc tuyển dụng không đúng quy định của Chủ tịch UBND huyện Yên Định dẫn đến các năm từ 2011 đến 2015, huyện này luôn trong tình trạng thừa hàng chục cán bộ, công chức.

Người ký văn bản tham mưu cho bà Hoa trong nhiều trường hợp tuyển dụng là ông Lê Đức Thọ, nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện.

Việc tuyển cán bộ công chức, viên chức thừa đã dẫn đến sự việc hơn 600 giáo viên trên địa bàn bỗng nhiên mất việc do quá trình tinh giản nhân sự giáo dục vào năm 2016.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, việc Chủ tịch UBND huyện Yên Định ký tiếp hợp đồng thời hạn một năm trong nhiều năm liền với những lao động ở các trường học là vi phạm Luật Lao động. Số cán bộ giáo viên, lao động dư thừa nhiều, vượt so với nhu cầu, nhưng chủ tịch UBND huyện vẫn ký hợp đồng mới và tiếp tục duy trì số lao động cũ… gây lãng phí nhân lực xã hội và ngân sách Nhà nước nhiều năm liền.

Thanh tra nhận định, hợp đồng nhiều năm không vào được biên chế, trong khi mức lương thấp đã gây tâm lý hoang mang cho người lao động, ảnh hưởng chất lượng công việc và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Nguồn: Tổng hợp