Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều là đối tượng SHCN được bảo hộ và đều được dùng để chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm. Khoản 22 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Như vậy, chỉ dẫn địa lý là để thông tin về nguồn gốc, xuất xứ địa lý của sản phẩm, do đó nó cũng có khả năng phân biệt nên việc phân biệt nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết.

Nhãn hiệu giúp người tiêu dùng xác định doanh nghiệp nào cung cấp hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hàng hoá trên thị trường. Trong khi đó, chỉ dẫn địa lý giúp người tiêu dùng xác định một khu vực địa lí cụ thể mà trên đó một hoặc một số doanh nghiệp đóng trụ sở và các doanh nghiệp này sản xuất hàng hoá mang chỉ dẫn địa lý đó và các sản phẩm của họ có chất lượng đặc thù.

Chỉ dẫn địa lý có thể là các dấu hiệu từ ngữ, tuy nhiên khác với nhãn hiệu có thể là những từ ngữ bất kỳ, kể cả các từ không có nghĩa, dấu hiệu từ ngữ chỉ có thể sử dụng làm chỉ dẫn địa lý nếu nó chỉ dẫn đến một khu vực địa lý nhất định, ví dụ: nước mắm Phú Quốc, gạo tám xoan Hải Hậu. Chỉ dẫn địa lý cũng có thể là các dấu hiệu hình ảnh hoặc biểu tượng mô tả một khu vực địa lý. Chúng gián tiếp thông tin về nguồn gốc của sản phẩm, có khả năng làm người tiêu dùng liên tưởng đến một khu vực địa lý nhất định, mà khu vực đó lại có mối liên hệ với những đặc điểm riêng biệt của hàng hóa. Tuy nhiên, những hình ảnh hoặc biểu tượng này phải thực sự nổi tiếng và được biết đến rộng rãi thì mới bảo đảm được chức năng chỉ dẫn về nguồn gốc sản phẩm.

Một nhãn hiệu có thể hàm chứa chỉ dẫn địa lý hoặc một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như một loại nhãn hiệu. Khoản 3 Điều 80 Luật SHTT quy định: “không bảo hộ những chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm”.

Đối với nhãn hiệu, người chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền sử dụng, có quyền định đoạt đối với nhãn hiệu và nghiêm cấm người khác sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu mà mình đã đăng ký bảo hộ. Còn chỉ dẫn địa lý là đối tượng không được độc quyền sử dụng, vì vậy người sử dụng chỉ dẫn địa lý không được quyền chiếm hữu, định đoạt mà chỉ có quyền sử dụng.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp