Có thể nói rằng, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu vì mục đích kinh tế, mục tiêu lợi nhuận. Bắt đầu từ việc tăng tỷ trọng trí tuệ trong sản xuất, dịch vụ và thương mại, giá trị trí tuệ trong sản phẩm hàng hoá đã thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh. Nhưng bên cạnh lợi ích, hiệu quả của sự cạnh tranh đó đã làm phát sinh khuynh hướng cạnh tranh không lành mạnh. Sự chiếm đoạt thành quả lợi ích kinh tế của người khác đã gây hậu quả xấu cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, cho các nhà đầu tư và cho xã hội. Để làm rõ khái niệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước hết cần làm rõ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ “bảo hộ” được hiểu theo nghĩa thông thường là “che chở, không để bị hư hỏng, tổn thất”. Việc bảo hộ luôn được gắn với sự quản lý của nhà nước. Như vậy, trước tiên phải hiểu như thế nào là bảo hộ nhà nước. Theo nghĩa rộng, “bảo hộ nhà nước” được hiểu là các giải pháp bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ bằng chính sách, pháp luật mà mỗi quốc gia dành cho công dân hoặc các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động cư trú ở nước đó.

Theo luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Luật SHTT đã quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan quản lý nhà nước như:

  • Các điều kiện bảo hộ;
  • Nội dung quyền;
  • Giới hạn quyền;
  • Thời hạn bảo hộ quyền,
  • Chuyển giao quyền,
  • Chứng nhận quyền,…

Do đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là việc nhà nước đảm bảo quyền sở hữu với các đối tượng sở hữu trí tuệ cho cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả (đối với quyền tác giả), Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (đối với quyền liên quan), Văn bằng bảo hộ (đối với quyền sở hữu công nghiệp), Bằng bảo hộ giống cây trồng (đối với giống cây trồng).

Hoạt động bảo hộ dưới góc độ quản lý nhà nước – đó chính là việc xác lập quyền cho các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ bằng các chính sách về sở hữu trí tuệ và hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Theo Đại học Luật Hà Nội

Trên thực tế không có quan điểm cụ thể nào đưa ra khái niệm chung về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và bảo hộ quyền đối với giống cây trồng. Chủ yếu và phổ biến nhất là nghiên cứu khái niệm qua các công ước liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (như Công ước PARIS, Công ước BERNE…) và Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Quan điểm của Trường Đại học Luật Hà Nội nếu ra:

Bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đối với toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học…

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ sản phẩm trí tuệ, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp như: tác giả, chủ Văn bằng bảo hộ và người sử dụng hợp pháp đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.

Như vậy, từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng chưa đưa ra khái niệm thuật ngữ “bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả” và khái niệm thuật ngữ “bảo hộ quyền đối với giống cây trồng”.

Theo Công ước Paris

Tại Điều 6bis, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm các đối tượng bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn xuất xứ hoặc tên gọi xuất xứ hàng hoá, cũng như việc ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh.

Như vậy, qua phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm:

Bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả là bảo hộ quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa;

Và bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là: bảo hộ sản phẩm trí tuệ, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền đối với giống cây trồng.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, “bảo vệ”“chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn”. Trong Luật SHTT, “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” được quy định tại Phần thứ năm, nội dung của phần này bao gồm:

  1. Quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT);
  2. Xử lý xâm phạm QSHTT bằng các biện pháp dân sự;
  3. Xử lý xâm phạm QSHTT bằng các biện pháp hành chính và hình sự;
  4. Kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Theo đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tự bảo vệ của chủ thể qua việc áp dụng các biện pháp như:

  1. Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm QSHTT;
  2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm QSHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  3. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm QSHTT theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  4. Khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Từ đó có thể hiểu: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền – thông qua hệ thống chính sách và pháp luật – bảo vệ các quyền và các lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ nhằm chống lại bất kỳ sự vi phạm nào của phía thứ ba.

Thuật ngữ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng phổ biến hơn

Trước đây, trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực SHTT cũng như trong hầu hết các công ước quốc tế về SHTT (như Công ước BERNE, Công ước PARIS, Công ước GENEVA,…) đều sử dụng thuật ngữ “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Có thể nói, thuật ngữ “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” được sử dụng hết sức thông dụng, phổ biến, “bảo hộ” trong mọi hoạt động của lĩnh vực SHTT: từ hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, đến các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong Luật SHTT, bên cạnh việc quy định về “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” tại các Phần thứ nhất, Phần thứ hai, Phần thứ ba và Phần thứ tư, thì tại Phần thứ năm của Luật SHTT còn quy định về “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, qua nội dung của các phần như nêu trên cho thấy:

  1. Về mặt quản lý nhà nước thì Luật SHTT dùng thuật ngữ “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”
  2. Về mặt thực thi quyền sở hữu trí tuệ thì Luật SHTT dùng thuật ngữ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.

Trong thời gian gần đây, thuật ngữ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” bên cạnh thuật ngữ “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” đã bắt đầu xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, chẳng hạn như Dự thảo Hiệp định giữa chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thuật ngữ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” được sử dụng gần đây

Trong khi đó, qua thực tiễn nghiên cứu nhiều hiệp định, điều ước quốc tế liên quan đến QSHTT, chúng ta không thấy có hiệp định nào phân biệt rạch ròi hai nội dung “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” và “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” như tại bản dự thảo này.

Qua phân tích hai khái niệm trên, có thể thấy rằng giữa “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”“bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” có những ý nghĩa riêng, đây là một sự phân biệt đáng quan tâm, lưu ý trong bối cảnh hiện nay. Sự xuất hiện của 2 thuật ngữ này cho thấy pháp luật đã có sự phân định cụ thể, khi nào thì sử dụng thuật ngữ “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”, khi nào thì sử dụng thuật ngữ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”. Mục đích của sự phân biệt hai thuật ngữ này là để hiểu và sử dụng đúng với chức năng của chúng.

Nguồn: Tổng hợp