Tại Khoản 2 Điều 15 mục 2 Hiệp định TRIPs quy định như sau: “Các thành viên có thể quy định rằng để được đăng kí là các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được”. Như vậy, điều kiện của nhãn hiệu: “dấu hiệu nhìn thấy được” được Hiệp định TRIPs quy định một cách rất linh hoạt, không cứng nhắc. Các nước thành viên có thể quy định trong pháp luật quốc gia rằng đây là một điều kiện bắt buộc mà một dấu hiệu phải đáp ứng được hoặc không quy định.

Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thì không quy định về điều kiện “nhìn thấy được” này. Trong đó, Luật SHTT Việt Nam 2005 thì lại quy định dấu hiệu “nhìn thấy được” là một trong các điều kiện để nhãn hiệu đuợc bảo hộ. Sở dĩ có sự quy định khác biệt như vậy là do trình độ phát triển về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật của mỗi nước khác nhau, chi phối đến khả năng bảo hộ của từng quốc gia đối với các dấu hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Việt Nam đã vận dụng linh hoạt Hiệp định TRIPs

Đối với Việt Nam – một quốc gia đang phát triển, việc bảo hộ các dấu hiệu “không nhìn thấy được” vượt quá khả năng của chúng ta trong thời điểm hiện tại, khi mà điều kiện về cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật chưa cho phép. Vì thế Luật SHTT 2005 đã vận dụng rất linh hoạt Hiệp định TRIPs, khi quy định dấu hiệu trước tiên để nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam phải thoả mãn, đó là nhãn hiệu phải “nhìn thấy được”. Quy định này rất hợp lý trong thời điểm hiện nay, vì nó vừa không trái với TRIPs vừa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

Dấu hiệu nhìn thấy được có nghĩa là con người chỉ có thể nhận thức được, nắm bắt được về chúng qua khả năng thị giác của con người. Người tiêu dùng qua quan sát nhìn ngắm để phát hiện ra loại hàng hóa, dịch vụ có gắn với nhãn hiệu đó để lựa chọn. Ở Việt Nam, các dấu hiệu liên quan đến đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu được quy định cụ thể tại Luật SHTT, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT.

Theo quy định tại điểm 39.2 Thông tư của Bộ khoa học và Công nghệ số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Thông tư 01/2007) thì dấu hiệu nhìn thấy được được thể hiện dưới các dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định.

1. Dấu hiệu là chữ cái, chữ số

Theo từ điển Tiếng Việt, chữ cái được hiểu là dấu hiệu dùng để ghi âm vị trong chữ viết ghi âm, còn chữ số là ký hiệu cơ bản dùng để viết các số. Chữ cái nói đến ở đây là chữ cái Latinh được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và thế giới. Đây là những dấu hiệu được sử dụng phổ biến để đăng ký nhãn hiệu. Bởi sự dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và điều quan trọng là dấu hiệu thông dụng, quen thuộc không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với các thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Thực tế hiện nay cho thấy đa số các nhãn hiệu được bảo hộ dưới hình thức chữ số, chữ cái hoặc sự kết hợp giữa chúng.

Tập hợp các chữ cái, chữ số có thể ghép lại thành từ hoặc ngữ có nghĩa hoặc không có nghĩa. Nhãn hiệu chữ có thể chỉ bao gồm chữ viết (như Omo, Trung Nguyên), có thể bao gồm cả chữ và số (Phở 24).

2. Dấu hiệu từ ngữ

Theo từ điển Tiếng Việt thì từ ngữ phải “bao gồm tập hợp các chữ cái có thể ghép lại thành từ và ngữ có nghĩa hoàn chỉnh và nói lên ý nghĩa nhất định”. Thông thường, các chuyên gia thường sử dụng bốn cách đặt tên nhãn hiệu:

Thứ nhất là sử dụng từ tự tạo, đó là từ được kết hợp từ các kí tự thành một từ mới phát âm được và không có trong từ điển, ví dụ: NOKIA, SAMSUNG, Vitan. Mặc dù đều là những từ ngữ không có nghĩa nhưng chúng lại được đánh giá là có tính phân biệt cao nên đáp ứng được yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu.

Thứ hai là sử dụng từ thông dụng, là những từ hiện dùng và thực sự có ý nghĩa trong một ngôn ngữ nào đó, như: Duy Lợi, Rạng Đông.

Thứ ba là sử dụng từ ghép tức là sử dụng các từ hiện dùng và các âm tiết dễ nhận biết, như Thinkpad.

Thứ tư là sử dụng các từ viết tắt là những từ thông thường được tạo thành từ chữ cái đầu tiên của tên công ty, từ viết tắt có thể phát âm được và mang một thông điệp nào đó như: AIA, IBM, LG.

Logo IBM

Logo IBM

Ở đây, cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa nhãn hiệu và tên thương mại được viết tắt (tên giao dịch). Nếu nhãn hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ do các chủ thể khác nhau cung cấp, thì tên thương mại để phân biệt, cá thể hóa chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng một lĩnh vực, khu vực kinh doanh, và tên thương mại được viết tắt cũng chỉ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc giao dịch trong kinh doanh.

Tên giao dịch mà doanh nghiệp thường sử dụng trong hoạt động thương mại bắt buộc vẫn phải có thành phần phân biệt. Phần phân biệt trong tên thương mại có thể được sử dụng làm nhãn hiệu nếu nó đáp ứng được điều kiện bảo hộ nhãn hiệu. Ví dụ: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, có tên giao dịch là Công ty Vinamilk, và công ty cũng đã đăng ký VINAMILK là nhãn hiệu của mình (số bằng: 4-0013675-000, ngày cấp bằng: 10/10/1994).

Từ ngữ không nhất thiết phải là Tiếng Việt

Như vậy, khi xác định từ ngữ là dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu không nhất thiết phải bó hẹp trong khái niệm “từ ngữ” trong từ điển Tiếng Việt đã chỉ ra, mà chỉ cần là các chữ cái, chuỗi chữ cái có thể phát âm được và đạt được khả năng phân biệt thì nhãn hiệu đó vẫn được bảo hộ.

Dấu hiệu từ ngữ được dùng làm nhãn hiệu bao gồm tên công ty, tên địa danh, họ, tên, khẩu hiệu hay các từ bất kỳ hoặc chuỗi từ bất kỳ do chủ nhãn hiệu sáng tạo ra. Tên gọi, tên công ty là một dấu hiệu có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu. Đây chính là sự kết hợp của các chữ cái được ghép lại với nhau tạo thành từ có nghĩa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tên gọi, tên công ty chỉ được sử dụng làm nhãn hiệu, khi bản thân nó đạt được tính phân biệt giữa tên gọi này với tên gọi khác khi gắn liền với hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Ngoài ra, tên địa danh và tên người cũng có xu hướng được sử dụng nhiều làm nhãn hiệu. Tuy nhiên, khi sử dụng hai dấu hiệu này làm nhãn hiệu đều có những điểm bất cập như tên địa danh có nguy cơ khó phân biệt với việc bảo vệ tên gọi xuất xứ hàng hoá hay chỉ dẫn địa lý vì nó chỉ đến những khu vực địa lý mà người tiêu dùng thường nghĩ rằng đó là nơi xuất xứ gốc của sản phẩm, ví dụ như sản phẩm Kẹo dừa Bến Tre hay Bia Hà Nội. Trong khi đó, tên người thì rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, bởi có rất nhiều người tên giống nhau, vì vậy không phải chủ hàng hoá, dịch vụ nào sử dụng tên người để đăng ký nhãn hiệu cũng được chấp nhận. Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã thể hiện sự tiến bộ khi không công nhận dấu hiệu này.

3. Dấu hiệu hình vẽ

Theo từ điển Tiếng Việt, hình vẽ được hiểu là tập hợp các đường nét, mảng màu theo những nguyên tắc hội họa nhất định trên mặt phẳng, phản ánh hình dạng một vật thể nào đó trong tự nhiên. Đây là loại dấu hiệu bao gồm các hình vẽ trang trí, các nét vẽ, biểu tượng hoặc hình họa hai chiều của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa.

Các hình vẽ, biểu tượng có tính phân biệt đều có khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bản thân dấu hiệu phải được trình bày một cách đặc biệt, ấn tượng tạo ra được sự phân biệt và gây ấn tượng đối với người tiêu dùng. Ví dụ: HONDA (số bằng: 4-0020130-000, số bằng: 26/02/1996), nhãn hiệu POND’s và hình (số bằng: 4-0118146-000, ngày cấp bằng: 20/01/2009).

Logo Vietnam Airlines

Logo Vietnam Airlines

4. Dấu hiệu hình ảnh, hình ảnh ba chiều

Theo từ điển Tiếng Việt, hình ảnh là hình người, vật, cảnh tượng thu được bằng khí cụ quang học (như máy ảnh) hoặc để lại ấn tượng nhất định và tái hiện được trong trí nhớ. Dấu hiệu hình ảnh là cả dấu hiệu hai chiều và ba chiều. Dấu hiệu hình ảnh ba chiều là loại dấu hiệu hình khối có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu, dạng điển hình nhất của dấu hiệu này là hình dáng hàng hóa hoặc hình dáng bao bì.

Việc đăng ký nhãn hiệu là chính hình dáng hàng hóa hay bao bì sản phẩm rất phổ biến vì khả năng phân biệt đạt được cao, như nhãn hiệu Vinamilk sữa chua và hình (số bằng: 4-0066998-000, ngày cấp bằng: 03/10/2005), nhãn hiệu Vina Acecook Phở Gà Xưa & Nay Phở Ăn Liền và hình (số bằng: 4-0096825-000, ngày cấp bằng: 03/03/2008).

Nhãn hiệu Vinamilk sữa chua

Nhãn hiệu Vinamilk sữa chua

Nhãn hiệu Vina Acecook phở gà

Nhãn hiệu Vina Acecook phở gà

Dấu hiệu hình ảnh có tác dụng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng thông qua thị giác, các dấu hiệu hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh ba chiều có xu hướng được ưa chuộng vì chúng thường tạo được ấn tượng mạnh mẽ, có sức lôi cuốn và thu hút, dễ tác động và in sâu vào tâm trí của người tiêu dùng vì chúng có khả năng phân biệt rất cao như: ngôi sao ba cánh nổi nằm trong vòng tròn của xe Mercedes, ba hình thoi chụm vào của Mishubishi là hai nhãn hiệu nổi tiếng.

Có thể nói, hình ảnh này đã thể hiện việc sử dụng ngôn ngữ tạo hình hết sức khái quát, tiếp cận khách hàng một cách nhanh mạnh và làm cho khách hàng liên tưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Mercedes Benz Logo

Mercedes Benz Logo

Bên cạnh đó, cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa nhãn hiệu hình ảnh với logo. Logo là yếu tố đồ họa của nhãn hiệu, góp phần quan trọng trong nhận thức của khách hàng về nhãn hiệu, nhằm củng cố ý nghĩa của nhãn hiệu theo một cách nào đó. Logo là dấu hiệu để nhận biết sản phẩm, dịch vụ mà nó đại diện, vì vậy logo được xem xét bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu.

Bên cạnh việc thể hiện những thông tin về chủ sở hữu, logo còn mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo ra nó. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với nhãn hiệu. Tính cá nhân của logo chứa đựng sự sáng tạo về mặt nghệ thuật tạo cho nó một bề ngoài hoàn chỉnh của một tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, trong một logo tồn tại hai thuộc tính: tính phân biệt và tính sáng tạo. Điều này tạo cho logo đặc tính riêng, vừa mang những đặc điểm, dấu hiệu để nhận biết của chủ sở hữu, vừa mang những dấu ấn sáng tạo của người thiết kế logo (tác giả).

Logo thường gồm các yếu tố hình độc đáo, riêng có tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Với đặc tính đa dạng của các yếu tố đồ họa, logo có thể là một hình vẽ, một cách trình bày chữ viết (tên doanh nghiệp, sản phẩm), hoặc kết hợp cả hình vẽ và chữ viết. Logo tạo ra một bản sắc riêng, là biểu tượng đặc trưng cho doanh nghiệp sở hữu logo.

Pháp luật Việt Nam lần đầu tiên quy định cụ thể về hình ảnh ba chiều được sử dụng làm nhãn hiệu. Trước đây, Điều 785 BLDS 1995 của Việt Nam không quy định rõ về loại dấu hiệu ba chiều hay hình ảnh ba chiều mà chỉ đề cập đến dấu hiệu hình ảnh, nên người thi hành có thể hiểu dấu hiệu hình ảnh được đề cập đó bao gồm hình ảnh hai chiều và cả hình ảnh ba chiều. Tuy nhiên, BLDS 1995 và các văn bản dưới luật hướng dẫn về SHCN đã không quy định rõ về điều kiện để một dấu hiệu ba chiều có thể được đăng ký làm nhãn hiệu.

Mặc dù pháp luật Việt Nam không liệt kê một cách cụ thể các dấu hiệu hình ảnh có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu, nhưng trên thực tế đã thừa nhận và bảo hộ dấu hiệu hình ảnh hai chiều và ba chiều là nhãn hiệu.

5. Dấu hiệu kết hợp cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc

Dấu hiệu kết hợp là sự kết hợp của hai hay nhiều dấu hiệu, kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình, theo đó pháp luật bảo hộ cho đồng thời cả hai dấu hiệu. Sự kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình tạo thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết và có khả năng phân biệt như: nhãn hiệu Tiger với biểu tượng con hổ, nhãn hiệu Halida với biểu tượng con voi,… Các dấu hiệu trên có thể được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Theo quy định này màu sắc chỉ được coi là phương thức thể hiện của nhãn hiệu. Theo điểm 39.2 Thông tư 01/2007 thì dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình thì không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu. Một màu sắc đơn lẻ không thể sử dụng làm nhãn hiệu, trừ khi kết hợp với dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình (như màu đỏ của Coca-Cola).

Hiệp định TRIPs quy định không những dấu hiệu cụ thể có thể được đăng ký là nhãn hiệu với những màu sắc nhất định, mà bản thân sự kết hợp các màu sắc với nhau cũng có thể được đăng ký làm nhãn hiệu. Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng quy định tổ hợp màu sắc là một loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu. Điều 785 BLDS 1995 không quy định cụ thể loại dấu hiệu màu sắc có thể được đăng ký là nhãn hiệu hay không, mà chỉ xác định màu sắc là phương thức thể hiện các loại dấu hiệu khác. Như vậy, quy định này tương đồng với quy định tại Luật SHTT 2005.

Trong thực tế, vấn đề được đặt ra: nếu chỉ có sự kết hợp đơn thuần giữa các màu sắc với nhau có được công nhận và đăng ký làm nhãn hiệu hay không? Vấn đề này cần được pháp luật Việt Nam xem xét cho phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Những dấu hiệu trên nếu thuộc vào trường hợp quy định tại điểm 39.2b Thông tư 01 thì không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

“- Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình;

– Dấu hiệu thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;

– Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia”.

Điều 73  Luật SHTT 2005 đã xác định các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu bao gồm:

*) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:

– Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước ;

– Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Ví dụ: WIPO là tên viết tắt của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization) hay WTO là tên viết tắt của Tổ chức Thương Mại thế giới (World Trade Organization) sẽ không được dùng để làm nhãn hiệu.

– Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

– Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận. Ví dụ: dấu hiệu ISO 9000 chứng nhận cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế không được dùng để làm nhãn hiệu.

*) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dùng về:

– Nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ;

– Tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ: Nhãn hiệu từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần cấu tạo của sản phẩm như nhãn hiệu dùng cho sản phẩm trà xanh có hình quả chanh nhưng trong thành phần của sản phẩm đó không hề đề cập đến việc có tinh chất chanh tươi trong trà, như vậy người tiêu dùng sẽ nhầm tưởng rằng sản phẩm trà xanh đó có tinh chất chanh tươi. Vì thế, nhãn hiệu đó sẽ bị từ chối bảo hộ. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Nguồn: Tổng hợp