Việc phân loại nhãn hiệu có ý nghĩa quan trọng đối với lý luận và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu (xem khái niệm nhãn hiệu). Dựa vào tính chất, chức năng của nhãn hiệu, pháp luật thế giới và pháp luật Việt Nam đều quy định về các loại nhãn hiệu sau: nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng.

1. Nhãn hiệu hàng hóa (trademarks)

Là nhãn hiệu sử dụng cho các sản phẩm/hàng hóa dùng để phân biệt sản phẩm/hàng hóa cùng loại của những người sản xuất khác nhau.

Thông thường, nhãn hiệu hàng hóa chỉ dùng cho hàng hóa là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc sản phẩm do con người sản xuất, chế tạo ra. Điều này không có nghĩa là nhãn hiệu hàng hóa phải thông tin cho người tiêu dùng về người thực sự đã sản xuất ra sản phẩm hoặc thậm chí người bán sản phẩm. Nhãn hiệu dùng cho hàng hóa có thể được gắn trực tiếp trên hàng hóa hay trên bao bì của sản phẩm hàng hóa đó. Ví dụ: nhãn hiệu Trung Nguyên cho sản phẩm cà phê:

Nhãn hiệu Cafe Trung Nguyên

Nhãn hiệu Cafe Trung Nguyên trên sản phẩm

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, người tiêu dùng đang đứng trước sự bùng nổ các loại nhãn hiệu hàng hóa khác nhau. Do vậy, để người tiêu dùng chọn đúng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp mình thì việc xây dựng, đăng ký và bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thương hiệu cafe Việt

Thương hiệu cafe Việt

2. Nhãn hiệu dịch vụ (Service marks)

Là dấu hiệu sử dụng để phân biệt các dịch vụ giống nhau của các chủ thể kinh doanh khác nhau.

Sản phẩm gắn nhãn hiệu dịch vụ là những sản phẩm vô hình do một người hay một tổ chức doanh nghiệp đứng ra thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu của mọi người trong xã hội. Nhãn hiệu dịch vụ thường được gắn trên các bảng hiệu dịch vụ để người có nhu cầu hưởng thụ dịch vụ đó có thể nhận thấy dễ dàng. Tuy nhiên, nhãn hiệu dịch vụ ở đây phải là những hoạt động thực tế của những dịch vụ mang tính độc lập.

Trong điều kiện đời sống kinh tế vật chất ngày càng được nâng cao như hiện nay thì các loại hình dịch vụ ngày càng trở nên phong phú (ví dụ: các dịch vụ pháp lý; bảo hiểm; bán buôn, bán lẻ; thông tin liên lạc, vận chuyển…), tăng cả về số lượng, chất lượng và mức độ cạnh tranh giữa các loại dịch vụ cũng trở nên gay gắt.

Ví dụ: cũng là dịch vụ vận chuyển hàng không nhưng thông qua nhãn hiệu người sử dụng dịch vụ biết và phân biệt được dịch vụ của Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Vietnam Airlaines - Vietjet Air

Vietnam Airlaines – Vietjet Air

3. Nhãn hiệu tập thể (Collective marks)

Khoản 17 Điều 4 Luật SHTT 2005 có quy định: “Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”.

Nhãn hiệu tập thể được áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ. Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu của một tập thể các nhà sản xuất (thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty…), trong đó, tổ chức tập thể xây dựng quy chế chung về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất…) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

Nhãn hiệu tập thể Hạt tiêu Tiên Phước (Quảng Nam)

Nhãn hiệu tập thể Hạt tiêu Tiên Phước (Quảng Nam)

Quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể tùy từng trường hợp có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp cho tập thể đó. Chủ nhãn hiệu tập thể có nghĩa vụ kiểm soát sự tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Trong một nhãn hiệu tập thể thì nhiều người cùng có thể cùng sử dụng một loại nhãn hiệu. Nhưng khi tập thể sử dụng nhãn hiệu này mà với tư cách nhân danh tập thể thì lúc này nhãn hiệu sẽ được xem là một nhãn hiệu bình thường mà không được xem là nhãn hiệu tập thể, vì nhãn hiệu chỉ do một chủ thể duy nhất, nhân danh bản thân sử dụng.

Vai trò của nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu tập thể có tác dụng thông báo cho người sử dụng về những khía cạnh đặc trưng của sản phẩm mà nhãn hiệu tập thể được sử dụng. Trong trường hợp như vậy, việc tạo ra một nhãn hiệu tập thể không chỉ hỗ trợ tiếp thị sản phẩm ở thị trường trong nước và có thể trên thị trường quốc tế mà còn cung cấp cơ sở cho việc hợp tác giữa những nhà sản xuất trong nước.

Việc tạo nhãn hiệu tập thể, trên thực tế phải đi kèm với sự phát triển các tiêu chuẩn nhất định cùng với một chiến lược chung. Khi đó, nhãn hiệu tập thể mới có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho phát triển trong nước.

Ví dụ: Nhãn hiệu Gạo Bao Thai Định Hoá và hình là nhãn hiệu tập thể của tỉnh Thái Nguyên số bằng: 4-0090842-000, ngày cấp bằng: 26/10/2007. Đây là nhãn hiệu tập thể thứ hai của tỉnh Thái Nguyên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể sau Chè Thái Nguyên (Số bằng: 4-0084266-000, ngày cấp bằng: 26/12/2006).

Chè Tân Cương (Thái Nguyên)

Nhãn hiệu tập thể Chè Tân Cương (Thái Nguyên)

4. Nhãn hiệu chứng nhận (Certification marks)

Khoản 18 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định: “Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu”.

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu do các tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính… của hàng hóa, dịch vụ đăng ký, sau đó tổ chức này có quyền cấp phép sử dụng cho bất kỳ chủ thể sản xuất, kinh doanh nào nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng các tiêu chuẩn do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhân đặt ra.

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu trong quá trình chứng nhận hàng hóa, dịch vụ đủ tiêu chuẩn mang nhãn hiệu và có nghĩa vụ kiểm soát sự tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tương ứng.

Sự khác biệt chủ yếu giữa nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu tập thể chỉ có thể do các thành viên của tổ chức tập thể sử dụng, trong khi nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai có sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn định sẵn. Nhãn hiệu chứng nhận hầu như không được đề cập đến trong các điều ước quốc tế, kể cả Hiệp định TRIPs.

Ví dụ: Nhãn hiệu BaVi Cows Milk Sữa bò Ba Vì và hình (số bằng: 4-0118140-000, ngày cấp bằng: 20/01/2009) hay nhãn hiệu Rau Đà Lạt Vegetable và hình (số bằng: 4-0135739-000, ngày cấp bằng: 23/10/2009) là những nhãn hiệu chứng nhận.

Logo sữa bò Ba Vì

Logo sữa bò Ba Vì

5. Nhãn hiệu liên kết

Theo Khoản 19 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định thì: “Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau”.

Việc đăng ký nhãn hiệu liên kết mang lại nhiều lợi ích cho chủ nhãn hiệu. Đó là chủ nhãn hiệu sẽ không cần phải xây dựng uy tín cho từng mặt hàng, từng nhãn hiệu riêng biệt, do đó tiết kiệm được các chi phí quảng cáo, khuếch trương được nhanh chóng uy tín thương mại của mình.

Việc sử dụng nhãn hiệu liên kết tạo uy tín cho những sản phẩm dịch vụ mới của doanh nghiệp bởi nhãn hiệu đã từng được biết đến và chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Nhãn hiệu liên kết cũng hạn chế tối đa việc các chủ sở hữu sản xuất kinh doanh khác lợi dụng uy tín của nhãn hiệu mà đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và thiệt hại cho chủ nhãn hiệu.

Trên thị trường ta có thể bắt gặp rất nhiều nhãn hiệu liên kết như: Nhãn hiệu Sony của công ty điện tử Sony được dùng cho tất cả các mặt hàng của hàng như tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ. Hay công ty Toyota với các nhãn hiệu liên kết: Toyota Camry, Toyota Vios, Toyota Innova,…

6. Nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ thực hiện tốt chức năng phân biệt của nhãn hiệu mà còn là cam kết về chất lượng và những phẩm chất khác của sản phẩm, của nhà sản xuất sản phẩm đối với người tiêu dùng. Nó chiếm lĩnh cả một thị trường rộng lớn, vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia sản xuất ra loại hàng hóa, sản phẩm đó.

Nhãn hiệu nổi tiếng là một trong những thành quả đầu tư và là một tài sản có giá trị rất lớn của các doanh nghiệp sở hữu nó, đôi khi nhãn hiệu nổi tiếng còn tạo ra thương hiệu cho mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Cũng chính vì vậy mà tình trạng nhãn hiệu nổi tiếng bị sao chép, quyền của chủ nhãn hiệu nổi tiếng bị xâm phạm diễn ra khắp nơi trên toàn thế giới. Sau đây là một số ví dụ về nhãn hiệu nổi tiếng trên tại Việt Nam:

Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam

Một số thương hiệu nổi tiếng Việt Nam

Khoản 20 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Quy định nhãn hiệu nổi tiếng được xác định thông qua thủ tục công nhận của cơ quan nhà nước thẩm quyền, chứ không phải thông qua việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu như các loại nhãn hiệu thông thường khác.

Tại Việt Nam, Cà phê Trung Nguyên là một ví dụ về sự thành công mang lại của một nhãn hiệu nổi tiếng đã được xây dựng trên thị trường trong và ngoài nước. Chỉ trong vòng mấy năm, từ một xưởng sản xuất nhỏ ở Buôn Ma Thuột, với một chiến lược xây dựng và phát triển, Trung Nguyên đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, chiếm thị phần lớn và trở thành một nhãn hiệu cà phê nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điều 75 Luật SHTT 2005. Đây là sự tiến bộ hơn so với pháp luật Việt Nam trước Luật SHTT 2005, pháp luật trước đây không quy định cụ thể về nhãn hiệu nổi tiếng. Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp có đề cập gián tiếp đến nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng chỉ dừng lại ở việc thừa nhận bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.

Nghị định 06/CP sửa đổi bổ sung Nghị định 63/CP có đưa ra một khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng tại khoản 2 Điều 1, theo đó: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu đó được biết đến một cách rộng rãi”. Tuy nhiên, tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nêu trong khái niệm không rõ ràng, khó xác định.

Qua xem xét các tiêu chí nêu tại Điều 75 Luật SHTT 2005, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy có rất nhiều các quy định mang tính chất định lượng, ví dụ như số lượng các quốc gia bảo hộ nhãn hiệu, số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng, số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo…

Bên cạnh đó, có sự mâu thuẫn giữa quy định trong khoản 6 Điều 75 về số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu và quy định tại điểm 20 Điều 4, Luật SHTT. Định nghĩa tại Điều 4 chỉ yêu cầu nhãn hiệu nổi tiếng chỉ cần được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong khi tiêu chí công nhận lại nêu số lượng quốc gia. Có thể nhận xét chung rằng các quy định pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam còn thiếu và chưa đáp ứng được tình hình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp