Sau thông tin “Giá điện giảm 10% từ kỳ ghi hoá đơn tháng 5”, nhiều độc giả VnExpess chia sẻ băn khoăn khi hóa đơn tiền điện tháng 4 vẫn “tăng bất thường” khiến nhiều người bức xúc.

Bà T.T.H. (ngụ tại chung cư Vạn Đô, Q.4, TP.HCM) cho biết tháng 3 tiền điện nhà bà tăng lên 1,8 triệu đồng, trong khi tháng 2 là 1,2 triệu đồng dù gia đình sợ dịch nên cũng không thường xuyên dùng điều hòa.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (ngụ quận 7) cũng nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 với 305.000 đồng trong khi tháng 2 chỉ 239.000 đồng. Theo chị Ngọc, 3 tháng nay chị đều làm việc ở nhà, mức độ sử dụng các thiết bị điện giống nhau và tiền điện các tháng trước đều khoảng 200.000 đồng trong khi tháng 3 tăng lên quá cao.

“Tôi rất thắc mắc là vì sao tôi ở chung cư, mua các thiết bị đều là loại tiết kiệm điện, dùng ổn định nhưng mọi tháng trước đều giống nhau song tháng 3 này tăng lên nhiều như thế và không biết có còn tăng nữa không” – chị Ngọc nói.

Theo bà H., nhiều cư dân của chung cư Vạn Đô đều phản ảnh tình trạng chung là tiền điện tháng vừa rồi tăng trong khi nhiều gia đình đã dùng quạt máy, hạn chế dùng điều hòa.

Chia sẻ của nick Dang Le Hieu: “Nhà tôi làm văn phòng liền với công ty, trong khi cho nhân viên nghỉ nửa tháng 3 vì dịch bệnh nhưng tiền điện vẫn tăng 25%. EVN nói tháng 4, 5, 6 giảm 10% chắc vừa đủ bù khoản tăng vọt tháng 3”.

Trường hợp của anh có nick Manh Pham còn bức xúc hơn khi cả nhà về quê tránh dịch hơn 1 tháng nhưng khi nhận giấy báo tiền điện cuãng gần 900 ngàn đồng trong khi đó những thiết bị điện không sử dụng đã rút ra khỏi ổ cắm mà giá điện vẫn cao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những thắc mắc này, ông Bùi Trung Kiên – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) – cho biết nhu cầu sử dụng điện tăng cao là hiện tượng “có tính quy luật” vào các tháng mùa khô.

ông Bùi Trung Kiên – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC)

Mùa nắng nóng người dân sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bên cạnh đó còn có các thiết bị làm mát phải hoạt động nhiều hơn. Khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng sẽ tốn nhiều điện hơn.

Ông Kiên nhận định kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện trong tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (tương đương 6,89%) cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng điện năng tiêu thụ kỳ này tăng. Đồng thời di dịch bệnh học sinh và phụ huynh thường xuyên ở nhà cũng góp phần tăng giá.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết các tổng công ty điện lực thành viên đã thực hiện phúc tra chỉ số côngtơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30% trước khi phát hành.

Theo nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020 đã ban hành thì Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất của bộ về việc giảm 10% giá điện sinh hoạt bậc 1-4 trong tháng 4, 5, 6 và giảm 10% với điện sản xuất, kinh doanh.

Hiện bộ xin ý kiến các bộ, ngành văn bản hướng dẫn thực hiện tới hết ngày 14-4, sau đó sẽ ban hành quyết định chính thức về giảm giá.

Như vậy, giá điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% ở các bậc thang 1-4 (dưới 300 kWh). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm giá 10% các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm.

Cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng mức giá mới bằng các hộ sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ sở cách ly, khám chữa bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 được miễn 100% tiền điện.

Cơ sở khám chữa bệnh, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 được giảm 20% tiền điện. Khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 cũng được giảm 20%.

Theo Bộ Công thương, thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực. Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng trong các tháng 4, 5 và 6 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7.

Nguồn: Tổng hợp