Trước thực trạng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần có những biện pháp củng cố lại hệ thống pháp luật trong nước về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cũng như quá trình thực thi những quy định này. Một số biện pháp cụ thể như sau:

Trước hết, cần có quy định hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định tại khoản 20 Điều 4 và tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật SHTT 2005. Chúng ta nên chia mức độ nổi tiếng của các nhãn hiệu thành các cấp độ khác nhau và tương ứng với đó là những biện pháp, cấp độ bảo hộ khác nhau được áp dụng. Bởi vì trong thực tế thường những nhãn hiệu vô cùng nổi tiếng như CocaCola, Microsoft, Sony, Toyota,… thì đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tại Điều 75 Luật SHTT và được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên có những nhãn hiệu chỉ đáp ứng được một vài trong số những tiêu chí đó nhưng cũng là nổi tiếng ở nhiều quốc gia mặc dù không phải cả thế giới đều biết đến nó. Khi phân ra các cấp độ khác nhau sẽ đảm bảo khả năng áp dụng của các quy định pháp luật đã được ban hành và tạo sự công bằng cho các nhãn hiệu.

Một vấn đề nữa là cần xác định các tiêu chí thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng quốc gia, thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và cấp độ bảo hộ ra sao. Như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể một cách toàn diện hơn, bởi các nhãn hiệu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam nhưng lại chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để được đánh giá là nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, nên khi xảy ra tranh chấp quyền lợi sẽ được bảo hộ ở cấp độ khác mà không phải nhãn hiệu nổi tiếng.

Hai là, để tránh tranh chấp phát sinh khi cùng một nhãn hiệu mà quốc gia này công nhận là nổi tiếng còn quốc gia khác lại không, nên lập danh mục các nhãn hiệu nổi tiếng và được bổ sung hàng năm như một số nước trên thế giới đã xây dựng. Thủ tục lập các danh mục này có thể là do các chủ sở hữu đăng kí tại Cục SHTT hoặc giao cho các Hiệp hội về công thương nghiệp, dịch vụ thành lập ban thẩm định. Hơn nữa danh mục các nhãn hiệu nổi tiếng cũng là một văn bản cần thiết mà Việt Nam nên xem xét ban hành để tiện quản lý và tránh tình trạng đã cấp văn bằng bảo hộ cho các nhãn hiệu vi phạm rồi mới phát hiện ra nó gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng. Mặt khác, danh sách này cần được thừa nhận trong nội bộ các quốc gia thành viên WTO hay Công ước Paris.

Ba là, để ngăn chặn việc đăng ký tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cần đưa ra tiêu chuẩn như thế nào thì sẽ dẫn đến tương tự, nhầm lẫn hoặc trùng lặp. Những tiêu chuẩn phải cụ thể, dễ hiểu để dễ áp dụng bởi trên thực tế những cán bộ làm công tác thẩm định tại Cục SHTT cũng như Tòa án vẫn chưa có cách hiểu thống nhất khi giải quyết các vụ việc liên quan. Hiện nay theo quy định, những tên miền đăng kí trước sẽ được xét cấp trước, nếu tên miền đó trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu đó lại chưa kịp đăng kí tên miền tại Việt Nam thì rất có thể tên miền đăng ký trước sẽ được công khai sử dụng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng cũng như người tiêu dùng.

Bốn là, pháp luật Việt Nam nên quy định một thủ tục công nhận hoặc đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng, tạo điều kiện cho các chủ thể chủ động yêu cầu công nhận nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng khi đủ các tiêu chí theo quy định. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lí để chủ thể có thể hạn chế được nguy cơ xâm phạm đối với nhãn hiệu của mình, tránh tình trạng bị xâm phạm rồi mới xử lí. Mặt khác, để được công nhận, chủ thể đăng kí có nghĩa vụ chứng minh nhãn hiệu của mình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng còn cơ quan đăng ký chỉ việc thẩm định hồ sơ.

Và khi phát sinh tranh chấp các cán bộ Tòa án chỉ cần dựa vào hồ sơ sẵn có của Cục SHTT để xác định nhãn hiệu đó thuộc đối tượng nào, người bị xâm phạm cũng không tốn thời gian, công sức, tiền của để chứng minh nhãn hiệu của mình có được bảo hộ theo cơ chế nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Khi đó, các vụ việc sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn rất nhiều, hành vi vi phạm cũng nhanh chóng bị xử lý và chấm dứt.

Năm là, cần tăng cường bộ máy thực thi pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng. Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ để đảm bảo quy trình tiếp nhận và xử lí yêu cầu của các chủ thể được diễn ra nhanh chóng và kịp thời. Thống nhất nhận thức về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo cho hoạt động bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đạt kết quả cao. Đẩy mạnh hơn nữa việc mở các lớp tập huấn hoặc cử cán bộ đi nghiên cứu, học tập tại các nước có nền pháp luật về SHTT phát triển là điều rất cần thiết.

Sáu là, thiết lập và áp dụng mạnh tay hơn nữa các biện pháp bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng. Hiện nay vẫn chủ yếu áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm. Tuy nhiên mức phạt tiền còn thấp, chưa đủ tính răn đe cũng như so sánh với lợi nhuận có được từ hành vi xâm phạm thì chỉ bằng một phần rất nhỏ nên các đối tượng vẫn mặc nhiên xâm phạm. Đẩy mạnh việc áp dụng đa dạng các biện pháp dân sự, hình sự, cũng như biện pháp kiểm soát biên giới, tịch thu tang vật… để ngăn chặn và xử lí kịp thời hành vi xâm phạm. Có như vậy khả năng giáo dục, thuyết phục và ngăn chặn hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng mới hiệu quả.

Cuối cùng, nâng cao ý thức tự bảo vệ của chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như người tiêu dùng cũng là giải pháp cần thực hiện để nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ đúng tầm vị trí của nó. Hiện nay, nhận thức của các đối tượng này còn chưa cao nên không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Thậm chí doanh nghiệp tuy biết mình bị xâm phạm nhưng không dám kiện cáo do sợ thua phải bồi thường và trả án phí. Còn người tiêu dùng thì hoặc là chấp nhận dùng hàng hóa, dịch vụ vi phạm bởi giá cả của nó cạnh tranh hơn hoặc là biết mình dùng phải loại hàng hóa này nhưng chẳng biết làm cách nào để bảo vệ quyền lợi hoặc có khi còn không biết đó là sản phẩm của hành vi xâm phạm.

Nguồn: Tổng hợp