Hiện nay, chưa có khái niệm thống nhất, chính xác về nhãn hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong các Điều ước quốc tế cơ bản trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như Công ước Paris 1883 hay Hiệp định TRIPs, các quy định liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng chủ yếu là quy định mang tính nguyên tắc; còn việc thừa nhận nhãn hiệu nào là nhãn hiệu nổi tiếng hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện và quan điểm riêng của từng quốc gia. Theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, “nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.” Chẳng hạn như CocaCola, Nokia, Honda,…

Như vậy, tính nổi tiếng của nhãn hiệu phụ thuộc vào việc công nhận danh tiếng của nhãn hiệu đó đối với người tiêu dùng tại Việt Nam. Hình thức công nhận danh tiếng của nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ có thể thông qua việc tồn tại một số lượng người tiêu dùng nhất định trực tiếp sử dụng sản phẩm và thừa nhận danh tiếng nhãn hiệu; hoặc nhãn hiệu được biết đến rộng rãi nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo hay internet…

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan chủ yếu xem xét và thừa nhận nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, còn cơ quan Tòa án chưa giải quyết một vụ việc nào liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng. Những năm vừa qua tại Việt Nam, Cục SHTT căn cứ vào các tiêu chí thời gian sử dụng nhãn hiệu, phạm vi địa lý sử dụng nhãn hiệu, doanh thu, phạm vi tần suất và chi phí cho việc quảng cáo, số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, số nước công nhận nhãn hiệu nổi tiếng (nếu có) để xác định về sự nổi tiếng của nhãn hiệu.

Một số trường hợp cụ thể bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như sau:

Năm 1992, Cục SHCN đã bác bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu McDonald’s cho một công ty Australia cho các sản phẩm đồ ăn nhanh, dịch vụ ăn uống và các nhóm sản phẩm khác với lý do Cục SHCN có đủ thông tin để khẳng định nhãn hiệu McDonald’s là nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới cho đồ ăn nhanh và dịch vụ ăn nhanh của Công ty McDonald’s Corporation của Hoa Kỳ, mặc dù công ty này chưa từng đăng ký và sử dụng nhãn hiệu trên tại Việt Nam.

Trường hợp trên cũng không khác trường hợp sau đây vào năm 1993, Cục SHCN đã xem xét và quyết định huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 4854 cấp cho Ophix Group (Australia) đối với nhãn hiệu “Pizza Hut” trên cơ sở đơn khiếu nại của công ty Pizza Hut International, LCC của Hoa kỳ đã chứng minh được sự nổi tiếng của nhãn hiệu của mình, mặc dù chưa được đăng ký bảo hộ cũng chưa từng sử dụng ở Việt Nam.

Các trường hợp thực tế trên đây cho thấy, việc bảo hộ NHNT ở Việt Nam ngay cả trước khi có Luật SHTT 2005 thì vẫn có hiệu quả. Điều đó được thể hiện ở chỗ, các NHNT trên thế giới mặc dù chưa được sử dụng ở Việt Nam nhưng vẫn được pháp luật Việt Nam bảo hộ, quyền SHCN của các chủ sở hữu cũng vẫn được bảo vệ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng càng phải được quan tâm. Tuy nhiên, việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam còn tồn tại một số điểm hạn chế, bên cạnh đó ngoài một số nhãn hiệu nổi tiếng đã được công nhận thì việc xác định các nhãn hiệu loại này còn gặp rất nhiều khó khăn, do hiện nay chúng ta chưa có danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng.

Do đó, cần thiết phải có những quy định pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng cụ thể và rõ ràng hơn để tạo lập một môi trường pháp lý an toàn, nhằm tạo sự tin cậy và an tâm đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là một trong những điều kiện để đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu như theo điểm i khoản 2 Điều 74. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo đó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu nói chung.

Xem thêm: Thực trạng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay

Nguồn: Tổng hợp