Khả năng phân biệt là tiêu chí cơ bản để xem xét một dấu hiệu có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu hay không. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định khả năng phân biệt của nhãn hiệu như là một điều kiện chủ yếu để một dấu hiệu được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu.

Trước đây, tại Điều 6.2.a Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 cũng đã quy định dấu hiệu không có tính phân biệt thì không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, để xác định được tính phân biệt của nhãn hiệu không phải vấn đề đơn giản, vì Hiệp định TRIPs cũng như pháp luật các nước thường không xác định thế nào là tính phân biệt của nhãn hiệu.

Khoản 1 Điều 15 Hiệp định TRIPs quy định:

“Bất cứ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa”. Khoản 1 Điều 6 Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng quy định: “Trong Hiệp định này, nhãn hiệu được cấu thành bởi dấu hiệu bất kỳ hoặc sự kết hợp bất kỳ của các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của người khác…”.

Pháp luật các nước cũng thường không đưa ra khái niệm chung về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, mà chỉ quy định những trường hợp nào mà dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt và khi thuộc vào một trong các trường hợp đó sẽ không được đăng ký bảo hộ làm nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu có khả năng phân biệt khi có khả năng làm cho người tiêu dùng nhận biết được hàng hóa, dịch vụ mang nó với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác. Có thể hiểu một cách chung nhất là khả năng nhãn hiệu giúp cho người tiêu dùng xác định được nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn.

Yếu tố nhận thức của người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu khi xác định nhãn hiệu có mang tính phân biệt hay không, đặc biệt khi cần giải quyết các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng hoặc vấn đề nhãn hiệu liên quan đến pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh.

Tại khoản 1 Điều 74 Luật SHTT 2005 đã làm rõ khả năng phân biệt của nhãn hiệu như sau:

“Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…”.

Như vậy là hai thuộc tính dễ nhận biếtdễ ghi nhớ là hai thuộc tính đảm bảo cho nhãn hiệu có khả năng phân biệt. Sở dĩ như vậy là do nhờ có hai thuộc tính này mà nhãn hiệu đó mới có thể đi vào tâm trí và nhận thức của người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng nhận ra đâu là sản phẩm mà họ lựa chọn. Từ đó có thể hiểu được rằng những dấu hiệu nào phức tạp, dài dòng khó nhớ sẽ không được bảo hộ (xem thêm). Nhưng thế nào là yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ thì trong các văn bản pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, từ những quy định chi tiết trong Luật SHTT có thể thấy rằng những dấu hiệu loại này là những dấu hiệu thông dụng mà người tiêu dùng Việt Nam với những trình độ hiểu biết thông thường cũng có thể nhận biết và ghi nhớ được.

Pháp luật Việt Nam mặc dù cũng không giải thích cụ thể khả năng phân biệt của nhãn hiệu nhưng đã đưa ra các yêu cầu chung nhất để một nhãn hiệu có khả năng phân biệt bằng cách liệt kê các trường hợp mà nhãn hiệu không có khả năng phân biệt. Do vậy, yêu cầu về khả năng phân biệt đối với nhãn hiệu chính là yêu cầu đặt ra đối với các dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu:

Các dấu hiệu chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó phải là các yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ.

Như vậy, theo Điều 74 thì: Nhãn hiệu phải có khả năng tự phân biệt và nhãn hiệu phải không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một trong các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Tuy nhiên, để xác định một dấu hiệu đăng ký trùng với một nhãn hiệu đối chứng tương đối đơn giản, nhưng việc xác định được sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của một nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đối chứng thì lại chưa được hướng dẫn theo pháp luật SHTT Việt Nam.

Để xác định tính tương tự gây nhầm lẫn giữa hai hay nhiều nhãn hiệu có thể xem xét một số tiêu chí sau đây:

  1. So sánh về cấu trúc;
  2. Nội dung;
  3. Cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ);
  4. Ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình);
  5. So sánh loại hàng hóa, dịch vụ;

Theo điểm 39.8 Thông tư 01/2007, dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện. Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu:

  1. Dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, cách phát âm, ý nghĩa, hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc;
  2. Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng.

Hàng hóa, dịch vụ trùng là hàng hóa, dịch vụ có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo), cùng chức năng, mục đích sử dụng. Hàng hóa, dịch vụ tương tự là hàng hóa, dịch vụ tương tự về bản chất, chức năng, mục đích sử dụng, được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng) ( điểm 39.9 Thông tư 01/2007).

Như vậy, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các hàng hóa và dịch vụ trùng hay tương tự trong các trường hợp sau:

  1. Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên: trường hợp này được hiểu là nếu trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên) mà đã có người sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ theo nhãn hiệu đang đăng ký thì nhãn hiệu đang đăng ký đó sẽ không được cấp văn bằng bảo hộ.
  3. Nhãn hiệu mà Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ những thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm, trừ trường hợp hiệu lực bị đình chỉ vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng.
  4. Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.

Ngoài ra, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như:

  1. Tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  2. Chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá.
  3. Kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn.

Như đã phân tích ở trên, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý cũng có khá nhiều điểm tương đồng với nhãn hiệu, do đó nếu không có sự phân biệt rõ ràng rất dễ gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác. Sử dụng chỉ dẫn địa lý về rượu vang hoặc rượu mạnh cho những loại rượu vang, rượu mạnh không có xuất xứ tại lãnh thổ được chỉ dẫn, kể cả trong trường hợp có nêu chỉ dẫn về xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới hình thức là dịch sang ngôn ngữ khác hoặc sang từ ngữ tương tự đều vi phạm và không được bảo hộ.

Nguồn: Tổng hợp