Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) có hiệu lực từ khi thành lập WTO ngày 1/1/1995. Cho đến nay, Hiệp định TRIPs là hiệp định đa phương toàn diện nhất liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định điều chỉnh các đối tượng sở hữu trí tuệ như: quyền tác giả và các quyền liên quan, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế (bao gồm cả bảo hộ giống cây trồng mới), kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật.

Khái niệm nhãn hiệu theo Hiệp định TRIPs

Hiệp định TRIPs là điều ước quốc tế đầu tiên đưa ra khái niệm nhãn hiệu hàng hóa. Và cho đến nay khái niệm này vẫn được xem là khái niệm khái quát, toàn diện nhất và mang tính quy chuẩn.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 15b của Hiệp định TRIPs có quy định:

“Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể là nhãn hiệu. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu.

Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng, các thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được xác định thông qua quá trình sử dụng. Các thành viên có thể quy định rằng điều kiện để được đăng ký là các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được”.

Các yếu tố tạo nên nhãn hiệu

Qua khái niệm nhãn hiệu của Hiệp định TRIPs thì nhãn hiệu có các yếu tố sau:

– Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào đó có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp khác (đương nhiên phải được hiểu đây là hàng hóa, dịch vụ cùng loại, vì nếu không cùng loại sẽ mất đi ý nghĩa phân biệt của nhãn hiệu và không có tính cạnh tranh trong thương mại).

– Các loại dấu hiệu có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu có thể bao gồm các dấu hiệu nhìn thấy và không nhìn thấy được: đó có thể là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó.

– Yêu cầu đối với dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu được xác định rõ, trong đó điều quan trọng cơ bản là các dấu hiệu đăng ký làm nhãn hiệu phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu.

Nhận định

Có thể thấy khái niệm nhãn hiệu trong Hiệp định TRIPs được quy định rất khái quát và do đó mang tính quy chuẩn. Việc xác định một dấu hiệu bất kỳ có thể đăng ký làm nhãn hiệu hay không sẽ căn cứ vào tính phân biệt của các dấu hiệu đó. Điều này thể hiện rõ nhất trong các quy định tương ứng của TRIPs là bất kỳ một dấu hiệu nào, cho dù là hình ảnh, màu sắc, âm thanh hay mùi có khả năng phân biệt được hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác đều được coi là một nhãn hiệu.

Ðây cũng là cách tiếp cận chung của các nước khi định nghĩa nhãn hiệu trong pháp luật của mình. Tuy nhiên, các nước cũng có những quan điểm khác nhau liên quan đến những dấu hiệu có thể phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp. Sự khác biệt này đôi khi bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế hay mức độ đa dạng của nền kinh tế. Vì thế, hiện nay bên cạnh những dấu hiệu truyền thống như tên gọi, hình ảnh, còn tồn tại các dấu hiệu đặc biệt khác như hình ảnh ba chiều, màu sắc, âm thanh, mùi, khẩu hiệu, đây là được gọi là nhãn hiệu đặc biệt.

Hiện nay trên thế giới, nhất là ở một số quốc gia phát triển đã công nhận các dấu hiệu đặc biệt này được đăng ký là nhãn hiệu như nhãn hiệu 3D, nhãn hiệu màu sắc, nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu âm thanh, ngoài ra còn có nhãn hiệu kỹ thuật tạo ảnh 3 chiều bằng ánh sáng, nhãn hiệu hình ảnh hoạt hình. Tuy rằng, số lượng các nhãn hiệu đặc biệt đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ còn hạn chế và qua những thủ tục phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với các dấu hiệu thông thường, nhưng qua đó có thể thấy rằng pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới đã mở rộng phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu.

Ví dụ: Công ty Nokia, Phần Lan đã đăng ký nhãn hiệu cho nhạc hiệu của mình – nhãn hiệu âm thanh số 001040955 ngày 30/10/2000.

Bản nhạc chuông Nokia

Bản nhạc chuông Nokia

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp