Theo Điều 2 của Công ước WIPO (Công ước Stockholm) ngày 14 tháng 7 năm 1967 về thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới thì sở hữu trí tuệ (intellectual property) được định nghĩa là các quyền liên quan tới các tài sản trí tuệ như:

  1. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;
  2. Buổi biểu diễn của các nghệ sĩ, bản ghi âm (thu âm), chương trình phát thanh, truyền hình;
  3. Sáng chế thuộc mọi lĩnh vực với sự nỗ lực sáng tạo của con người;
  4. Phát minh khoa học;
  5. Kiểu dáng công nghiệp;
  6. Nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại và chỉ dẫn thương mại, thương hiệu, biểu trưng;
  7. Quyền bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh;
  8. Và tất cả các quyền khác liên quan đến hoạt động trí tuệ của con người trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học hoặc nghệ thuật.

Nói chung nó bao gồm tất cả những tài sản được con người sáng tạo ra bằng công sức lao động của chính mình, hoặc thông qua hợp đồng thuê, giao việc cho người khác.

Phân loại quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quyền sở hữu trí tuệ được chia làm 3 nhóm cụ thể là Quyền sở hữu công nghiệp, Quyền tác giảQuyền liên quan, Quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể:

  1. Quyền tác giả là quyền của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được phát sóng.
  2. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/ giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
  3. Quyền đối với giống cây trồng là quyền đối với giống cây do mình chọn tạo, hoặc phát hiện, phát triển.

Cần lưu ý rằng:

  1. Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng cần phải đăng ký theo quy định của pháp luật để được bảo hộ.
  2. Còn quyề tác giả và quyền liên quan thì không cần đăng ký để được bảo hộ. Từ khi tác phẩm được định thì thì nó đã tự động được pháp luật bảo hộ rồi.

Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân muốn đăng ký quyền này vẫn có thể nộp đơn tại Cục Bản quyền tác giả để được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Vì khi có tranh chấp phát sinh thì bên nào nhận mình là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ phải chứng minh mà vấn đề chứng minh thường rất khó khăn.

Vai trò của việc bảo hộ các tài sản trí tuệ

Hiểu được sở hữu trí tuệ là gì, ta sẽ nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo hộ các tài sản trí tuệ này. Như trong phần trình bày nêu trên, thì các tài sản trí tuệ, đặc biệt là các tài sản trí tuệ trong lĩnh vực thương mại cần được bảo hộ phù hợp như các quyền sở hữu công nghiệp, thậm chí quyền tác giả đối với các tác phẩm khoa học, nghệ thuật cũng có thể được thương mại hóa và đem lại lợi nhuận rất lớn cho  chủ sở hữu các quyền này.

Và nếu như không có các biện pháp bảo hộ kịp thời, thì những nguy cơ chắc chắn sẽ xảy ra, người có quyền đăng ký có thể  mất quyền đăng ký, người có quyền sở hữu có thể mất quyền sở hữu bởi không chứng minh được tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của mình.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ nền kinh tế

Trên thị trường, bất kỳ khi nào một sản phẩm, hay một dịch vụ mới nào đó được thành công, ưa chuộng thì sẽ bị sao chép hoặc bắt chước. Thậm chí những người đầu tiên đầu tư nhiều công sức vào việc sáng tạo, thiết kế sản phẩm… lại không thể cạnh tranh được trên thị trường. Bởi vì những đối thủ cạnh tranh thì chỉ việc sử dụng những thành quả có sẵn để tạo ra sản phẩm ăn theo thương hiệu, chính vì vậy, giá thành bao giờ cũng rẻ hơn. Như vậy, nếu như các tổ chức, cá nhân kinh doanh mà không có biện pháp bảo hộ tài sản trí tuệ phù hợp thì chắc chắn sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường.

Việc sử dụng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho các tổ chức, cá nhân có các độc quyền sử dụng nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật và các tài sản vô hình khác. Bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sẽ giúp hạn chế sự sao chép và bắt chước của các đối thủ cạnh tranh đáng kể.

Bên cạnh đó, việc đăng ký các quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng, chuyển giao, mua bán các quyền này, và cả hợp đồng mua bán các đối tượng khác liên quan cũng được dễ dàng và thuận tiện hơn. Bởi các quy định của pháp luật cũng như xu hướng của mọi người ngày càng đề cao việc bảo hộ các tài sản trí tuệ.

Các biện pháp để bảo hộ các tài sản trí tuệ

Lợi ích của việc bảo hộ các tài sản trí tuệ đem lại đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ tích cực, và chủ động hơn trong việc đăng ký để được bảo hộ. Vì quy định của pháp luật là không bắt buộc phải đăng ký các tài sản này.

Việc đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ có thể dựa trên bản chất và những quy định của pháp luật liên quan để lựa chọn phương pháp bảo hộ sao cho phù hợp. Cụ thể:

  1. Các sản phẩm, quy trình sáng tạo có thể đăng ký dưới dạng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.
  2. Các kiểu dáng của sản phẩm, thậm chí hàng dệt may có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
  3. Thương hiệu, logo, dấu hiệu đặc trưng,… được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu.
  4. Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng danh tiếng gắn với địa danh địa lý thì sẽ bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý.
  5. Các thông tin kinh doanh, công thức nấu ăn,… có thể bảo hộ dưới dạng bí mật thương mại.
  6. Các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật bao gồm cả chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu sẽ được bảo hộ dưới dạng quyền tác giảquyền liên quan.

Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở đâu?

Nếu như bạn muốn đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ tại Việt Nam thì đối với các quyền Sở hữu công nghiệp sẽ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả và quyền liên quan sẽ đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả.

Nếu như bạn muốn đăng ký tại một hoặc nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới thì có thể lựa chọn hình thức đăng ký trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia đó, hoặc nộp đơn thông qua hệ thống Madrid ( Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid) tại những quốc gia là thành viên.

Trên đây là những thông tin Pháp luật Online chia sẻ để người đọc có thể hiểu rõ hơn sở hữu trí tuệ là gì. Từ đó, giúp mọi người có thể xác định mình đang có những tài sản trí tuệ gì, cũng như có nên đăng ký chúng hay không. Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho người đọc.

Nguồn: Tổng hợp