Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, sự ra đời Bộ luật dân sự 2005 và đặc biệt Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2006 đánh dấu bước phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có các văn bản pháp luật điều chỉnh về nhãn hiệu nói riêng và sở hữu công nghiệp nói chung đó là:

  • Nghị định của Chính phủ số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
  • Thông tư của Bộ khoa học và Công nghệ số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Khái niệm nhãn hiệu theo Luật SHTT Việt Nam 2005

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 quy định cụ thể tại Khoản 16 Điều 4 phần giải thích từ ngữ như sau:

“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Dựa trên khái niệm này, chúng ta rút ra 2 điều sau:

Sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu” chung

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 đã đưa ra khái niệm mang tính khái quát hơn rất nhiều so với quy định của BLDS 1995 khi sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu” thay cho “nhãn hiệu hàng hoá”. Quy định cụ thể tại Khoản 16 Điều 4 phần giải thích từ ngữ như sau:

“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Việc sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu” chung đã tránh được tình trạng dễ gây hiểu lầm là thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hóa” chỉ được sử dụng cho hàng hóa mà không bao gồm nhãn hiệu sử dụng trong dịch vụ của người áp dụng (mặc dù trong Nghị định số 63/CP đã có giải thích “nhãn hiệu hàng hóa được hiểu là bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ”). Đồng thời, việc sử dụng thuật ngữ “nhãn hiệu” còn phù hợp với các thuật ngữ được sử dụng cho các loại nhãn hiệu khác như “nhãn hiệu tập thể”, “nhãn hiệu liên kết”, “nhãn hiệu nổi tiếng”.

Không giới hạn các dấu hiệu có thể được đăng ký làm nhãn hiệu

Khái niệm về nhãn hiệu trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 không quy định rõ các dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu, theo đó không hạn chế các loại dấu hiệu có thể sử dụng được làm nhãn hiệu. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các nhà sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Như vậy, các doanh nghiệp có thể hiểu được một cách mở rộng là “bất kỳ dấu hiệu nào” chỉ cần có khả năng phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của doanh nghiệp khác là có thể được đăng ký làm nhãn hiệu. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tạo ra một dấu ấn cho sản phẩm của mình.

Do không có quy định cụ thể nên các chủ thể có thể tùy ý đăng ký những dấu hiệu bất kỳ theo ý chí của họ, điều này tạo nên áp lực và khó khăn cho cơ quan đăng ký khi phải xem xét, tra cứu, đánh giá những dấu hiệu đó có khả năng đăng ký làm nhãn hiệu hay không?. Do đó việc quy định điều kiện để một nhãn hiệu được bảo hộ là vô cùng cần thiết và quan trọng. Điều 72 Luật SHTT đã quy định cụ thể vấn đề này. Theo đó:

“Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác”.

Như vậy, Điều 72 Luật SHTT đã làm rõ về các dấu hiệu có thể được bảo hộ là nhãn hiệu. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các nhà sản xuất, kinh doanh tạo lập một nhãn hiệu phù hợp. Theo đó, không phải bất kỳ các dấu hiệu nào cũng có thể được sử dụng và được bảo hộ là nhãn hiệu mà pháp luật đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với chúng:

  1. Đầu tiên, đó là những dấu hiệu có thể nhìn thấy được, tức pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ những nhãn hiệu có thể nhận biết bằng thị giác.
  2. Điều kiện thứ hai bắt buộc để một dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu đó là khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các chủ thể kinh doanh khác nhau.

Trong Luật SHTT 2005, các dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đã được quy định chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn so với quy định tại BLDS 1995. Tuy nhiên, cũng giống như BLDS 1995 và Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ, các dấu hiệu mới mà thế giới đã thừa nhận và bảo hộ là nhãn hiệu như nhãn hiệu âm thanh, mùi, bản thân màu sắc hoặc sự kết hợp của các màu sắc với nhau chưa được quy định trong pháp luật SHTT Việt Nam.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp