Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ trên thế giới đã có từ rất lâu. Điều này xuất phát bởi vai trò đặc biệt quan trọng của các dấu hiệu này đối với nền kinh tế.

Tại Pháp, năm 1857 Luật nhãn hiệu đầu tiên được ban hành.

Theo luật này, quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa thuộc về người thực hiện sớm nhất (so với người khác) một trong hai việc là sử dụng nhãn hiệuđăng ký nhãn hiệu theo quy định của Luật.

Nếu một người đăng ký một nhãn hiệu nhưng thời điểm đăng ký sử dụng nhãn hiệu đó lại sau người đăng ký thứ hai thì quyền đối với nhãn hiệu thuộc về người thứ hai (quyền thuộc về người sử dụng trước). Quyền đối với nhãn hiệu thuộc về ai thì người đó được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm tương ứng.

Sau Pháp, một loạt các nước cũng ban hành luật nhãn hiệu riêng của mình như: Italia (1868), Bỉ (1879),…

Công ước Paris

Nhu cầu bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp này, dưới đòi hỏi do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và xu hướng hội nhập quốc tế đã không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia, khu vực mà nó trở thành vấn đề toàn cầu, thu hút sự quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới.

Vấn đề đặt ra là các đối tượng sở hữu công nghiệp phải được bảo hộ bằng cả những điều ước quốc tế mà theo đó các quốc gia tham gia phải cam kết thực hiện vì những lợi ích và mục tiêu phát triển chung. Nhưng phải đến năm 1883 với sự ra đời của công ước Paris – một văn bản pháp luật quốc tế đầu tiên về bảo hộ sở hữu công nghiệp – đánh dấu sự liên kết của các quốc gia trên thế giới cùng quan tâm đến lĩnh vực này.

Theo Công ước Paris đối tượng quyền SHCN bao gồm sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ) và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Các quy định của Công ước Paris đề cập đến bốn vấn đề lớn là: nguyên tắc đối xử quốc gia, quyền ưu tiên, một số nguyên tắc chung đối với hệ thống bảo hộ quyền SHCN mà các nước thành viên phải tuân thủ và các quy định về hành chính phục vụ cho việc thi hành công ước.

Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid

Tiếp theo Công ước Paris là Thỏa ước MadridNghị định thư Madrid, văn bản pháp luật quốc tế điều chỉnh các vấn đề đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở các nước thành viên. Thỏa ước ký ngày 14/04/1891 tại Mandrid (Tây Ban Nha) dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Paris về SHCN. Đến nay đã có khoảng 40 nước là thành viên của Thỏa ước này. Năm 1981, Việt Nam cũng đã là thành viên chính thức.

Ngày 27/10/1994, Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu (TLT) được thông qua. Hiệp ước TLT được ban hành để đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, đăng ký và hài hòa thủ tục đăng ký nhãn hiệu giữa các quốc gia khác nhau. TLT đã hài hòa thủ tục của các cơ quan cấp phép đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia khác nhau thông qua việc quy định những yêu cầu tối đa mà một bên tham gia có thể đưa ra.

Hiệp định TRIPS

Cùng với sự phát triển hoạt động thương mại và đầu tư, việc bảo hộ quyền SHTT đối với các hoạt động này và quyền lợi thương mại hợp pháp của chủ sở hữu khi quyền SHTT đặt ra của họ không được bảo hộ và thực thi một cách có hiệu quả đã được đặt ra. Vì vậy, cùng với sự ra đời của Tổ chức thương mại thế giới WTO, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Hiệp định TRIPS) đã được ký kết ngày 15/04/1994 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1995.

Khác với các điều ước quốc tế đa phương trước đây về quyền sở hữu trí tuệ, mục đích chính của Hiệp định TRIPS là thông qua việc quy định những tiêu chuẩn, những biện pháp và thủ tục tối thiểu mà các nước thành viên của Hiệp định phải có nghĩa vụ tuân theo từ đó thiết lập một khung pháp lý thống nhất, có hiệu quả trong việc bảo hộ toàn diện quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền sở hữu công nghiệp.

Theo Hiệp định TRIPS, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một bộ phận của hệ thống đa quốc gia thuộc WTO. Hiệp định này quy định vệc bảo hộ nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ khác nhau.

Từ năm 1995, Hiệp định TRIPS đã mang lại những thay đổi căn bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hiệp định TRIPS đã khẳng định lại và mở rộng các chuẩn mực và quy định của Công ước Paris và Công ước Berne, làm thay đổi bộ mặt của Luật sở hữu trí tuệ vì các nước thành viên WTO phải thay đổi luật của họ để phù hợp với Hiệp định TRIPS. Ngoài việc đồng nhất hóa về pháp luật, Hiệp định TRIPS còn tiến tới loại bỏ các quy định về hành chính, thủ tục và về kỹ thuật bất lợi cho hoạt động SHTT quốc tế.

Hiệp định TRIPS quy định các tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc bảo hộ tất cả các đối tượng sở hữu trí tuệ. Nhưng điều quan trọng nhất đó là Hiệp định TRIPS là điều ước quốc tế đầu tiên quy định hệ thống các biện pháp chế tài trong đó có những biện pháp chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và những biện pháp chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm tiếp diễn. Các biện pháp chế tài này hoàn toàn không có trong Công ước Paris.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hiệp định TRIPS và Công ước Paris được thể hiện trong Điều 2.1. Hiệp định này bắt buộc tất cả các thành viên WTO tuân thủ các điều từ Điều 1 đến Điều 12 và Điều 19 của Công ước Paris được sửa đổi năm 1967 tại Stockholm. Hiệp định TRIPS ngoài việc đề cập đến các nguyên tắc cơ bản của Công ước Paris, đã vượt ra ngoài Công ước Paris bằng việc lần đầu tiên đưa ra một nguyên tắc mới đó là “đối xử Tối huệ quốc” (MFN).

Theo Điều 4 Hiệp định TRIPS:

“Tất cả các lợi ích, ưu đãi, đặc ân, đặc lợi hay sự miễn trừ mà một thành viên dành cho công dân của bất kỳ một nước nào khác sẽ được áp dụng cho tất cả các thành viên khác, ngay lập tức và không có bất kỳ một điều kiện nào khác”.

Bên cạnh đó, Hiệp định TRIPS còn quy định các nguyên tắc tổng quát về thủ tục bảo hộ một cách thỏa đáng và hiệu quả quyền sở hữu công nghiệp tại các nước thành viên. Trong phần 3 và phần 4 của Hiệp định TRIPS quy định rằng các nước thành viên phải quy định trong luật pháp quốc gia của mình các thủ tục cho phép áp dụng các biện pháp hiệu quả đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng phải quy định một cơ chế nhằm ngăn chặn các hành vi tái vi phạm các quyền đó và có nghĩa vụ phải áp dụng và cả hai biện pháp nói trên để tránh các rào cản gây cản trở cho thương mại hợp pháp và các biện pháp an toàn đối với việc lạm dụng quyền. Hơn thế nữa, các thủ tục và hình thức quy định đối với việc bảo hộ quyền phải hợp lý và công bằng và không được “phức tạp và tốn kém đến mức không cần thiết” và không được “kéo dài một cách bất hợp lý và không có lý do”.

Như vậy, với việc ra đời Hiệp định TRIPS, việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới đã được đẩy mạnh, mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người sử dụng công nghệ, cũng như lợi ích kinh tế – xã hội nói chung và đảm bảo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.

Với Việt Nam, chúng ta đã là thành viên của WTO, ngoài việc đẩy mạnh các chính sách mở cửa, một công việc quan trọng mà chúng ta đã và đang tích cực thực hiện đó là cải thiện pháp luật đặc biệt là pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bởi một trong những điều kiện bắt buộc của chúng ta là phải đảm bảo thực hiện những quy định của hiệp định TRIPS về việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Xem thêm: Lịch sử pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp