Sự hình thành và phát triển của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ ở Việt Nam:

Việt Nam coi vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp là nhân tố quan trọng của chính sách cải cách, mở cửa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Gắn liền với các giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp của Việt Nam cũng có những bước phát triển qua từng giai đoạn.

Giai đoạn 1945-1981

Chính sách khuyến khích sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo được chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền, thể hiện bằng các cuộc vận động thi đua cải tiến kỹ thuật. Trong giai đoạn này, một số văn bản pháp luật về khuyến khích sáng tạo đã được ban hành làm tiền đề cho hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp của Việt Nam như:

  1. Thông tư 04/LĐTT ngày 8/3/1958 của Bộ Lao động quy định về vấn đề khen thưởng các tác giả sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh;
  2. Nghị quyết số 175/TTg ngày 3/4/1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nhãn hiệu thương phẩm. Nghị quyết này được ban hành thực chất nhằm mục đích quản lý sản phẩm trong sản xuất và lưu thông chứ không mang tính chất bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Ở miền Bắc, thời kỳ này chưa hình thành một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo đúng nghĩa. Quyền tư hữu đối với các đối tượng SHCN không được chấp nhận bảo hộ với lập luận cho rằng các sáng tạo của trí tuệ con người thuộc sở hữu chung của toàn xã hội. Những đối tượng đặc biệt là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ còn chưa được đề cập đến ngoài nhãn hiệu hàng hóa.

Trong khi đó, ở miền Nam, hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp được chú trọng hơn với quan điểm thừa nhận quyền tư hữu của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đặc biệt là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ là nhãn hiệu hàng hóa. Chính quyền Sài Gòn đã ban hành Luật 13/57 ngày 1/8/1957 bảo hộ nhãn hiệu, Luật 14/59 ngày 11/6/1959 về chống sản xuất hàng giả.

Các vấn đề liên quan đến đăng ký xác lập quyền đã được quy định cụ thể, chi tiết trong các văn bản pháp luật và là yêu cầu bắt buộc đối với các chủ thể nhằm chính thức ghi nhận sự bảo hộ từ phía nhà nước đối với quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu.

Giai đoạn từ 1981-1988

Hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp giai đoạn này được áp dụng theo mô hình phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đó là sự bảo hộ chủ yếu nhằm vào các quyền tinh thần hơn là các quyền tài sản của người sáng tạo. Cơ chế “dùng lợi ích vật chất làm động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo trí tuệ” hầu như chưa được áp dụng. Biện pháp bảo hộ chủ yếu và dường như duy nhất là biện pháp hành chính.

“Sản phẩm sáng tạo trí tuệ được coi là sản phẩm phục vụ cho xã hội, quyền tư hữu và các lợi ích kinh tế đối với các sản phẩm đó của tác giả hầu như không được chấp nhận. Tác giả của sản phẩm chỉ có thể được thưởng hoặc ghi công mà thôi”.

Đối với các đối tượng là các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ mới chỉ có các nghị định:

  1. Nghị định 197/HĐBT ngày 14.12.1982 về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa;
  2. Nghị định 85/HĐBT ngày 13.5.1988 về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
  3. Lệnh số 10/LCT/HĐNN ngày 10.12.1988 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Công bố Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo các văn bản trên, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở đăng ký bảo hộ tại Cục Sáng chế thuộc ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước.

Một đặc điểm nổi bật có thể nhận thấy trong giai đoạn này là trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định mang nặng tính hành chính, mệnh lệnh theo cơ chế xin-cho.

Giai đoạn từ 1989-1995

Giai đoạn này được coi là giai đoạn hệ thống sở hữu công nghiệp của Việt Nam tiếp cận với hệ thống sở hữu công nghiệp hiện đại. Cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, Việt Nam cũng từng bước đổi mới, bắt đầu bằng việc ban hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 28/1/1989 và sau đó là hàng loạt các hoạt động đổi mới khác theo hướng chuyển dần hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp mang đặc trưng của nền kinh kế tập trung sang tiếp cận hệ thống sở hữu công nghiệp hiện đại với đặc trưng của nền kinh tế thị trường cạnh tranh.

Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ra đời xóa bỏ hình thức công hữu đối với sáng chế thay vào đó là chế độ tư hữu, đồng thời mở rộng đối tượng bảo hộ bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Trong giai đoạn này, đã có khoảng 50 văn bản pháp lý được ban hành quy định một cách khá đầy đủ, cụ thể và toàn diện về phạm vi, nội dung bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng như trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Các văn bản này đã tạo nên một hệ thống pháp luật về sở hữu công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ ở Việt Nam. Chúng thể hiện được định hướng mới của pháp luật trong bước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Quyền sở hữu công nghiệp được công nhận bảo hộ là một loại quyền tài sản và được tự do khai thác, chuyển giao như một đối tượng của giao dịch dân sự.

Đối với các đối tượng là dấu hiệu phân biệt sản phẩm, dịch vụ, Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã có những quy định về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (bao gồm nhãn hiệu dịch vụ), tên gọi xuất xứ hàng hóa (ở đây là tên địa lý của vùng/địa phương có sản phẩm đặc thù mà tính chất đặc thù của sản phẩm do các yếu tố địa lý quyết định) trong giai đoạn này chưa có quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Các biện pháp bảo hộ, về nguyên tắc có thể áp dụng trình tự dân sự nhưng thực tế không có vụ kiện nào được xử trước tòa án; biện pháp áp dụng chủ là biện pháp hành chính.

Giai đoạn từ 1995 – nay

Giai đoạn này được đánh giá là giai đoạn hệ thống sở hữu công nghiệp Việt Nam hướng tới một hệ thống đầy đủ và hiệu quả theo yêu cầu của WTO.

Bộ luật dân sự 1995 được ban hành trong đó có một phần độc lập quy định về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Phần thứ VI) đã đánh dấu bước chuyển mới của hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp Việt Nam với mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn về SHTT của WTO. Đối với các việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ cũng có các nghị định hướng dẫn thi hành:

  1. Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về SHCN. Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 06/2001/CP ngày 1/2/2001;
  2. Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 1.7.1998 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ;
  3. Nghị định 54/200/NĐ-CP ngày 3.10.2000 về bảo hộ SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHCN;
  4. Thông tư 3055/TT/SHCN ngày 31/12/1996 hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN và một số thủ tục khác trong Nghị định 63/CP;
  5. Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3.5.2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định 12/1999/NĐ- CP;

Sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2005 ngày 14/6/2005 (trong đó có Phần thứ 6 quy định về Quyền SHTT và chuyển giao công nghệ). Nhưng năm 2005 là năm được coi là đột phá khi Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 01/07/2006. Đây là văn bản pháp lý riêng biệt bao gồm các quy định về sở hữu trí tuệ. Lần đầu tiên các quy định về bảo hộ SHCN nói chung và xác lập quyền SHCN nói riêng được tập trung, thống nhất và thể hiện trong một đạo luật độc lập.

Đối với việc bảo hộ đối tượng SHCN là các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm dịch vụ, cho đến thời điểm hiện nay cũng đã có các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

  1. Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN, ngày 22/9/2006.
  2. Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, ngày 22/9/2006.
  3. Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về SHCN, ngày 22/9/2006.

Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia các điều ước quốc tế về SHTT trong đó có các Điều ước quốc tế về xác lập quyền SHCN từ rất sớm:

  1. Tham gia công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp ngày 8/3/1949;
  2. Tham gia Thỏa ước Madid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa ngày 8/3/1949;
  3. Tham gia Công ước Stockholm về thành lập Tổ chức SHTT thế giới và trở thành thành viên của tổ chức này ngày 2/7/1976;
  4. Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ được ký kết vào tháng 7/2000 và có hiệu lực pháp luật từ tháng 12/2001.

Chúng ta đã là thành viên của WTO và một trong những điều kiện bắt buộc là chúng ta phải tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPs về những vấn đề liên quan đến thương mại của quyền SHTT. Hiện nay chúng ta vẫn đang tích cực xây dựng một hệ thống pháp luật sở hữu công nghiệp đầy đủ và hiệu quả đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi và thực thi các cam kết quốc tế.

Như vậy, đến nay chúng ta đã có một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý nói riêng. Việc làm đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và người tiêu dùng từng bước đưa Việt Nam hòa nhập với sự phát triển chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Xem thêm: Lịch sử pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới

Nguồn: Tổng hợp