Quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu mang tính chất tư, song nó có tác động rất lớn đến lợi ích chung của toàn xã hội và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với kinh tế – thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trong xu hướng toàn cầu hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế

Trong những năm gần đây việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đã trở thành nội dung quan trọng trong thương mại quốc tế. Những hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ đối với các chủ sở hữu các tài sản trí tuệ, những tranh chấp và mâu thuẫn thương mại về Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, mang tính đa quốc gia đã đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, các hệ thống luật pháp về Quyền sở hữu trí tuệ của các nước rất khác nhau, tùy thuộc vào các chính sách văn hóa, công nghiệp và các yếu tố khác… Do vậy, để tìm ra một giải pháp giải quyết các tranh chấp về Quyền sở hữu trí tuệ mang tính quốc tế, các mạng lưới và các quy tắc khác nhau đã được thiết lập.

Xét ở bình diện quốc tế, bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ được nhìn nhận thông qua việc ban hành pháp luật điều chỉnh về Quyền sở hữu trí tuệ bằng sự thỏa thuận bởi các điều ước về sở hữu trí tuệ. Có thể bắt đầu từ việc các quốc gia tham gia Hiệp định tổng quát về thương mại và thuế quan (GATT) với sự tham gia của 117 nước thành viên. Các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận với 10 nội dung cơ bản, được gọi là Thoả thuận về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Hiệp định TRIPs).

Giới thiệu về Hiệp định TRIPs

TRIPs là hiệp định đa phương, toàn diện nhất về sở hữu trí tuệ. Được ký kết vào ngày 15-4-1994, có hiệu lực từ ngày 01-01­-1995, đây cũng là ngày đánh dấu sự ra đời của WTO. Ngày 01-01-1996, Hội đồng TRIPs đã ký với WIPO một thỏa thuận mang mục tiêu là thúc đẩy việc bảo hộ và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các yêu cầu của TRIPs đã trở thành một điều kiện bắt buộc đối với các quốc gia là thành viên của WTO. TRIPs quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà bất kỳ thành viên nào tham gia cũng phải đạt được (bao gồm các điều khoản về sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, bản quyền,…).

Mục tiêu của TRIPs

Là sự thừa nhận sự cần thiết phải thúc đẩy bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả các đối tượng sở hữu trí tuệ. Các quy định của TRIPs là một khung pháp lý ổn định, có giá trị cao làm cơ sở vững chắc để bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi của tất cả các nước thành viên của WTO.

TRIPs đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ các nguyên tắc của việc bảo hộ các tác phẩm văn học và khoa học (Công ước BERNE), bảo hộ các tổ chức phát thanh (Công ước ROME) và bảo hộ sở hữu công nghiệp (Công ước PARIS)… Đây là lần đầu tiên việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành điều kiện bắt buộc đối với các quốc gia muốn tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Đây cũng là các tiêu chuẩn đầu tiên và tối thiểu về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà bất kỳ thành viên nào muốn tham gia WTO cũng phải đáp ứng được.

Sự ra đời của TRIPs đã mang lại những thay đổi căn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của các nước thành viên WTO. Ngoài việc đồng nhất hóa về pháp luật, TRIPs còn tiến tới loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính và các kỹ thuật bất lợi cho hoạt động SHTT quốc tế.

TRIPs tồn tại song song với luật SHTT của từng quốc gia

Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, sự hợp tác có thể cả phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc hơn. Sự phân công công việc trên bình diện quốc tế được coi là mục tiêu quan trọng trong hợp tác quốc tế, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là sẽ có những tranh chấp về kinh tế quốc tế phát sinh.

Về nguyên tắc, tất cả các hiệp định thương mại đa phương được ký kết trong khuôn khổ của WTO đều được xác định là những văn bản luật về kinh doanh – thương mại có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các quốc gia là thành viên của WTO. Trong trường hợp có bất cứ một sự khác biệt nào giữa các quy định trong các hiệp định đó với luật lệ của các quốc gia thành viên, thì các quy định trong các hiệp định đó sẽ được ưu tiên áp dụng. Do đó, các quốc gia cần phải có các khung pháp lý nhất định đề ra các nguyên tắc pháp lý nhằm bảo đảm phù hợp với “luật chung” của nền kinh tế thế giới đang trong xu hướng toàn cầu hóa.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Ở Việt Nam, bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ được Hiến pháp năm 1992 quy định và được thể hiện trong các nghị quyết của Bộ Chính trị. Chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách pháp luật. Trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã nhận định: “Hoàn thiện pháp luật về khoa học công nghệ… thực hiện tốt chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ” là một nhiệm vụ trọng tâm (mục 3 phần II của Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5­2005 của Bộ Chính trị).

Về hình thức

Chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ thể hiện được quan điểm, đường lối do Đảng và Nhà nước đề ra để phát triển khoa học – công nghệ, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ được hoạch định bằng những giải pháp cụ thể khác nhau, nhưng đều nhằm thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị và phát triển nền kinh tế đất nước. Ví dụ như:

  1. Đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng không bị coi là tội phạm, vì không được quy định ở Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng đã được quy định bổ sung trong Bộ luật hình sự năm 1999;
  2. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 không quy định thẩm quyền của TAND giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhưng thẩm quyền này đã được bổ sung trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006.
  3. Trong quá trình hơn 10 năm phấn đấu để gia nhập WTO, hệ thống pháp luật bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được xây dựng, phát triển và hoàn thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu của WTO.
  4. Các quy phạm pháp luật về thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ do Nhà nước ban hành được thể hiện cụ thể trong các bộ luật, các luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư,…

Về nội dung

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thủ tục bảo vệ sở hữu trí tuệ tại TAND nói riêng được quy định bằng các biện pháp khác nhau. Pháp luật bảo hộ QSHTT quy định các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm QSHTT như sau:

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm QSHTT của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nguồn: Tổng hợp