Biết mình đang sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, người dân sống dọc 2 bên bờ rạch Giồng Ông Tố phải chọn cách “đổ tiền xuống sông” để giữ đất, giữ nhà.

Sạt lở ở 2 bên bờ rạch Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM) diễn ra từ 10 năm nay nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Sạt lở khiến nhiều hộ dân sống tại khu vực này mất nhà, có người phải đi ở thuê vì nhà bị nước nuốt chửng.

 

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (42 tuổi) sống bên bờ rạch cho biết, do sạt lở nên gia đình đã xây nhà sàn, trụ phía dưới là bê tông kiên cố, vách nhà là ván ép nên nhẹ. “Đây là cách để tôi bảo vệ căn nhà trước nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở khu vực này”, bà Nghĩa nói.

Theo ghi nhận của PV VTC News, người dân sống dọc đoạn rạch này cũng tìm nhiều cách để cứu của, cứu nhà. Nhiều gia đình chọn cách đóng cừ tràm hay đổ bê tông để hạn chế sạt lở.

Sau nhiều lần đóng tràm để giữ đất nhưng đều bị nước “nuốt chửng”, gia đình bà Thuỳ Vân quyết định trồng rất nhiều dừa nước phía sau. Đây là biện pháp hiệu quả nhưng lại không tốn nhiều chi phí.

Nhiều hộ dân chấp nhận bỏ tiền đắp đê, gia cố nhà cửa để an tâm sinh sống và hy vọng sẽ nhận được tiền đền bù thỏa đáng hơn mức 16-17 triệu đồng/m2 hiện đang áp dụng.

Do sạt lở kéo dài nhiều năm nên tấm biển cảnh báo nguy hiểm cũng ố vàng. Người dân sống dọc 2 bên bên bờ rạch đang chờ chính quyền có biện pháp chống sạt lở hiệu quả, để bảo vệ tài sản cho người dân, ổn định cuộc sống.

2 bên chân cầu Giồng Ông Tố cũng xuất hiện rất nhiều vết nứt dài, cơ quan chức năng cắm biển báo nguy hiểm tại khu vực này từ vài năm nay.

Ngoài khu vực rạch Giồng Ông Tố, tại cầu Phú An (quận Bình Thạnh) cũng xảy ra hiện tượng sạt lở khiến người dân lo lắng.

Nguồn: Tổng hợp