Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là một trong số các tổ chức chuyên môn của hệ thống các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UN). “Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới” được ký kết tại Stockholm, Thụy Điển năm 1967 và có hiệu lực vào năm 1970. Tuy nhiên, nguồn gốc của WIPO bắt đầu vào năm 1883 và 1886 khi thông qua Công ước Paris và Công ước Berne. Cả hai công ước này đều quy định việc thành lập Văn phòng quốc tế và được đặt dưới sự giám sát của Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ. Một số công chức thực hiện việc đảm trách hoạt động quản lý hành chính của hai công ước này đều làm việc tại Berne, Thụy Sĩ.

Ban đầu có hai Văn phòng (một về Sở hữu công nghiệp và một về Bản quyền tác giả) đảm bảo hoạt động quản lý hành chính hai công ước, nhưng vào năm 1893, hai văn phòng được hợp nhất. Tên gọi cuối cùng của tổ chức, trước khi trở thành WIPO, là BIRPI, là các chữ đầu của tên gọi theo tiếng Pháp: Uỷ ban quốc tế thống nhất về Bảo hộ Sở hữu trí tuệ (nguyên văn tiếng Anh xem bản gốc – United International Bureaux for the Protection of Intellectual Property). Năm 1960, BIRPI chuyển từ Berne đến Geneva, Thụy Sỹ.

Tại hội nghị ngoại giao năm 1967 ở Stockholm, khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO được thành lập, các điều khoản quản lý và các điều khoản cuối cùng của tất cả các thỏa ước đa phương đang tồn tại lúc đó do BIRPI quản lý đã được sửa đổi. Những điều khoản này cần phải được sửa đổi bởi vì các nước thành viên mong muốn WIPO đảm trách địa vị một cơ quan có toàn quyền tự quyết, vì vậy bỏ quyền giám sát của Chính phủ Thụy Sỹ, tạo cho nó một địa vị giống như tất cả các tổ chức quốc tế liên chính phủ khác, và mở đường cho WIPO trở thành một tổ chức chuyên môn trong hệ thống các tổ chức liên chính phủ của Liên Hợp Quốc.

Phần lớn các tổ chức liên chính phủ mà nay được gọi là các tổ chức chuyên môn đều ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chúng được thành lập với một sứ mạng cụ thể nhằm giải quyết một vấn đề hay hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, từ rất lâu trước khi thành lập Liên Hợp Quốc, một số tổ chức liên chính phủ như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Liên hiệp Bưu chính toàn cầu (UPU) và Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) đã tồn tại và trở thành những tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực hoạt động riêng của mình. Sau khi Liên Hợp Quốc được thành lập, các tổ chức này trở thành các tổ chức chuyên môn trong hệ thống các tổ chức của Liên Hợp Quốc.

Cũng tương tự như vậy, từ rất lâu trước khi Liên Hợp Quốc được thành lập, BIRPI đã là tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. WIPO, tổ chức kế tục của BIRPI đã trở thành một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc sau khi một hiệp định riêng cho mục đích này được ký kết giữa Liên Hợp Quốc và WIPO và có hiệu lực vào ngày 17 tháng 12 năm 1974.

Các tổ chức chuyên môn vẫn giữ sự độc lập của mình mặc dù trực thuộc hệ thống các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Mỗi tổ chức chuyên môn đều có các thành viên riêng của mình. Tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đều có quyền trở thành thành viên của tất cả các tổ chức chuyên môn, nhưng trên thực tế không phải tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc đều là thành viên của các tổ chức chuyên môn. Mỗi nước có quyền tự quyết định có muốn trở thành thành viên của một tổ chức chuyên môn hay không.

Mỗi tổ chức chuyên môn có quy chế thành lập và cơ quan lãnh đạo và điều hành riêng, có thu nhập, ngân sách, lãnh đạo, nhân viên và các chương trình và hoạt động riêng. Bộ máy quản lý được thành lập để phối hợp các hoạt động của tất cả các cơ quan chuyên môn, trong chính các tổ chức và với Liên Hợp Quốc, nhưng về cơ bản, mỗi tổ chức đều tự chịu trách nhiệm theo quy chế của mình và trước các cơ quan điều hành của tổ chức mà chính là các quốc gia thành viên của tổ chức.

Thoả thuận ký kết giữa Liên Hợp Quốc và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công nhận rằng WIPO có trách nhiệm tiến hành các hoạt động thích hợp với quy chế thành lập, theo các Hiệp định và Thỏa ước do WIPO quản lý nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu công nghiệp vào các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của các nước đó.

Sứ mệnh và hoạt động

Sứ mệnh của WIPO là, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc sáng tạo, phổ biến, sử dụng và bảo vệ những sản phẩm của trí tuệ con người, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của loài người. Hiệu quả của nó là góp phần cân đối giữa khuyến khích sáng tạo trên toàn thế giới, một mặt, bằng cách bảo hộ thích đáng các lợi ích vật chất và tinh thần của người sáng tạo, và mặt khác là đem lại cơ hội dự hưởng những lợi ích văn hóa và kinh tế xã hội của các sáng tạo đó trên toàn thế giới.

Vị trí của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trên trường quốc tế đã có những thay đổi lớn so với lúc mới lập, khi nó được thành lập với danh nghĩa là văn phòng của các điều ước/hiệp định được ký kết giữa các quốc gia. Mặc dù WIPO vẫn duy trì chức năng này (hiện thời vẫn quản lý 21 điều ước như vậy), cùng với việc thúc đẩy hợp tác liên chính phủ trong việc quản lý hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hoạt động của tổ chức không những được mở rộng mà còn đa dạng hóa mạnh mẽ.

Một ví dụ nổi bật của việc mở rộng công việc so với trước đây của WIPO là sự gia tăng các hoạt động đăng ký – nói cụ thể hơn là, sự tăng cường sử dụng các điều ước quốc tế qua đó thiết lập chỉ một thủ tục duy nhất để nộp đơn cho các sáng chế, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp có thể có hiệu lực với tất cả các quốc gia thành viên của những điều ước đó.

Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT), Thỏa ước Madrid và Nghị định thư về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu, và Hiệp ước La-hay về Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp đã khiến tăng thêm một khối lượng lớn các hoạt động đăng ký, đặc biệt với các đơn PCT, tổng số lên tới 90.948 đơn trong năm 2000. Nhằm tăng cường công tác này của WIPO, một hiệp ước quốc tế mới, đó là Hiệp ước Luật Sáng chế đã ra đời vào tháng 6 năm 2000: mục đích của hiệp ước là khai thông các thủ tục nộp đơn và giảm chi phí để có được sự bảo hộ sáng chế đồng thời tại nhiều nước.

Trong giai đoạn gần đây, WIPO đã không ngừng dừng lại ở việc thúc đẩy các đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây chỉ là các biện pháp nhằm đi đến mục tiêu cuối cùng, đó là thúc đẩy hoạt động sáng tạo của con người để mang lại các sản phẩm và dịch vụ văn hóa và công nghiệp làm giàu cho toàn xã hội loài người. Vì thế mà WIPO đang ngày càng tham gia vào việc giúp đỡ các nước đang phát triển, những nước mà ở đó hoạt động sáng tạo vẫn chưa được khai thác thỏa đáng, thu nhận được toàn bộ các lợi ích từ những lợi ích đầy đủ từ các sáng tạo của công dân nước họ, cũng như của công dân các nước khác.

Vai trò của WIPO là giúp đỡ họ trong việc soạn thảo xây dựng và thực thi pháp luật, trong việc thiết lập cơ cấu hành chính và thiết chế phù hợp, và trong việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. WIPO đã đặc biệt chú ý tới 49 quốc gia chậm phát triển (LDCs), và cũng trợ giúp tương tự cho các nước mà nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, ở Trung Á, Đông và Trung Âu và ở khu vực Baltic.

Việc hợp tác của WIPO đối với chương trình phát triển gắn bó chặt chẽ với việc hợp tác giữa chính phủ và liên chính phủ, bao gồm cam kết của WIPO với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó WIPO sẽ giúp đỡ các nước đang phát triển trong việc triển khai thực hiện Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (TRIPS).

Vấn đề phát triển được giải quyết bằng tiến bộ khoa học và công nghệ nhanh chóng. Việc tiếp cận của WIPO gồm hai phần: đó là xác định và quảng bá các giải pháp quốc tế đối với các vấn đề về hành chính và pháp luật do công nghệ kỹ thuật số đặt ra, đặc biệt là Internet, đối với các khái niệm và thông lệ truyền thống về sở hữu trí tuệ.

Hoạt động của WIPO trong việc lựa chọn cách giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân và công ty, thông qua Trung tâm hòa giải và trọng tài WIPO đã được mở rộng cho cả những vấn đề phát sinh từ việc lạm dụng tên miền trên Internet. WIPO đã được Cơ quan cấp tên và mã số Internet (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) (ICANN) giao cho quyền xử lý các trường hợp tranh chấp được nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết theo Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất của ICANN (ICANN’s Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy).

Các tranh chấp được xử lý và phán quyết trực tuyến, cho phép các bên giải quyết vụ án theo một cách thức hiệu quả về thời gian và chi phí mà không phải có mặt trực tiếp tại cùng một địa điểm.

Một dự án sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chia sẻ các lợi ích về thông tin sở hữu trí tuệ có giá trị đó là mạng thông tin sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPONET), một dự án do WIPO khởi xướng vào năm 1999. WIPONET được thiết kế nhằm thiết lập một mạng lưới toàn cầu bảo đảm an toàn, liên kết mạng các cơ quan sở hữu trí tuệ của tất cả các nước thành viên WIPO, tạo thuận lợi cho việc truy cập và trao đổi thông tin trên toàn thế giới. Các websites chính thức và website phụ của WIPO cũng đã đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

WIPO hiện ngày càng tiến hành tiếp cận toàn cầu không chỉ đối với riêng bản thân sở hữu trí tuệ mà cả với vai trò của sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ rộng lớn hơn với các vấn đề mới nổi như tri thức truyền thống, văn hóa dân gian, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nhân quyền. WIPO tiến hành theo phương pháp tư vấn và thực nghiệm để tìm ra, chẳng hạn như, quan hệ giữa sở hữu trí tuệ và các quỹ/ngân hàng gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của WIPO là làm cho sở hữu trí tuệ không còn bí hiểm, để sở hữu trí tuệ được công nhận là một phần của cuộc sống hàng ngày không chỉ bởi những người trực tiếp tham dự vào hoạt động sở hữu trí tuệ ở các cấp độ văn hóa, công nghiệp, pháp luật và chính phủ mà còn bởi bất kỳ người nào khác trong xã hội, ở các tổ chức phi chính phủ hay các doanh nghiệp nhỏ, dù là nông dân, nhân viên sức khỏe cộng đồng, những người sáng tạo đơn lẻ hay đơn giản chỉ là những thành viên có mối quan tâm đến nó trong cộng đồng nói chung.

Nhận thấy được tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) như là xương sống trong nền kinh tế thị trường, WIPO đã lập nên một chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp phát huy tiềm năng của họ làm động lực trong việc tạo ra của cải xã hội.

Chương trình nghị sự của WIPO để đến được với mọi thành viên trong xã hội phải thông qua việc coi họ như những bên có tham gia góp vốn và đối tác trong hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và toàn cầu. Để đảm bảo rằng cách đối xử như vậy thực sự mang lại lợi ích cho các bên liên quan, WIPO đã theo đuổi chính sách trao quyền. Điều này có nghĩa là các hoạt động của WIPO nhằm đem đến cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức về cách thức mà họ có được lợi ích trong một hệ thống sở hữu trí tuệ lành mạnh và cũng tạo điều kiện để họ tiếp cận tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn qua đó giúp họ sử dụng hiệu quả các hệ thống sở hữu trí tuệ đó.

Tại sao lại cần thiết phải có một tổ chức sở hữu trí tuệ liên chính phủ?

Quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn về lãnh thổ, chúng chỉ tồn tại và được thực hiện trong phạm vi luật pháp của một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia mà theo luật pháp tại đó các quyền này được bảo hộ. Nhưng các tác phẩm trí tuệ, bao gồm cả các ý tưởng sáng tạo, nên và phải dễ dàng vượt qua biên giới các quốc gia trong thế giới của các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau.

Hơn nữa, với việc sự tương đồng gia tăng trong cách tiếp cận và trong thủ tục quản lý quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều nước, rõ ràng là cần phải đơn giản các thông lệ qua việc thiết lập các chuẩn mực quốc tế chung và công nhận qua lại các quyền và nghĩa vụ giữa các quốc gia.

Do đó, các chính phủ đã đàm phán và ký kết các hiệp định đa phương trong nhiều lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mà mỗi hiệp định đó thành lập nên một “Liên hiệp” trong đó mỗi nước thành viên thỏa thuận bảo đảm cho công dân của các nước khác trong Liên hiệp sự bảo hộ tương đương với sự bảo hộ mà nước đó dành cho công dân của chính họ, đồng thời tuân thủ các quy tắc, các tiêu chuẩn và thực tế chung nhất định.

Các Liên hiệp do WIPO quản lý được thành lập trên cơ sở các hiệp định hoặc điều ước. Một Liên hiệp bao gồm tất cả các quốc gia tham gia vào một điều ước nhất định. Tên của Liên hiệp, trong phần lớn các trường hợp, được đặt theo địa điểm, nơi điều ước được ký kết lần đầu tiên (như Liên hiệp Paris, Liên hiệp Berne,…). Các điều ước này được chia thành ba nhóm:

  1. Nhóm điều ước thứ nhất thiết lập chế độ bảo hộ quốc tế, có nghĩa những điều ước này là nguồn của sự bảo hộ pháp lý đã được các nước tán thành ở cấp độ quốc tế. Ví dụ, ba điều ước về sở hữu công nghiệp thuộc vào nhóm này là: Công ước Paris, Thỏa ước Madrid về Chống sử dụng các chỉ dẫn về nguồn gốc sản phẩm sai lệch hoặc lừa dối và Thỏa ước Lisbon về Bảo hộ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ.
  2. Nhóm thứ hai bao gồm những điều ước hỗ trợ việc bảo hộ quốc tế. Ví dụ, có sáu điều ước về sở hữu công nghiệp thuộc vào nhóm này. Đó là Hiệp ước Hợp tác Sáng chế quy định việc nộp đơn quốc tế cho các sáng chế, Thỏa ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Thỏa ước Lisbon như đã được đề cập trên đây, bởi vì nó thuộc về cả nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai, Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế, và Thỏa ước La-hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
  3. Nhóm thứ ba bao gồm các điều ước tạo nên hệ thống phân loại và các thủ tục cho việc cải tiến và cập nhật chúng. Có bốn điều ước thuộc nhóm này, tất cả đều đề cập đến sở hữu công nghiệp. Đó là Hiệp ước Phân loại sáng chế quốc tế (IPC), Thỏa ước Nice về Phân loại quốc tế hàng hoá và dịch vụ vì mục đích đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Hiệp ước Viên thiết lập Phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu hàng hóa, và Hiệp ước Locarno thiết lập Phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp.

Việc sửa đổi các điều ước này và xây dựng những điều ước mới là nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự nỗ lực thường xuyên trong hợp tác và đàm phán quốc tế, với sự giúp đỡ của một văn phòng. WIPO cung cấp khuôn khổ và các hỗ trợ cho công việc này.

Nguồn: Tổng hợp