Gần 70 tuổi, bà Ly hàng ngày phải đi kiếm từng đồng bạc lẻ về nuôi 3 đứa cháu nhỏ bị mẹ bỏ. Điều mong muốn nhất của bà lúc này là các cháu được khai sinh, đến trường.

Những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi 

Ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Ly (68 tuổi, ở Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) qua sự giới thiệu của một người sống cùng khu dân cư. Nơi bà Ly cùng 3 đứa cháu đang ở nằm sâu trong ngõ 67, dù bao quanh là nhà cao tầng nhưng vẫn không làm dịu bớt cái nóng 40 độ.

Đang là giữa trưa nhưng ngôi nhà nhỏ đã khóa cửa phía ngoài. Cất tiếng gọi chủ nhà, phía trong tiếng trẻ nhỏ thỏ thẻ trả lời: “Bà cháu đi làm chưa về ạ”. Hỏi ra mới biết, khi đó bà Ly đang đi rửa bát thuê ngoài chợ Phùng Khoang. Không ai trông, bà Ly đành phải nhốt 3 đứa trẻ trong nhà để đi làm.

Hàng ngày, bà Ly vẫn thường đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về để kiếm tiền nuôi 3 đứa cháu rau cháo qua ngày, ở nhà 3 đứa trẻ tự trông nhau. Đứa lớn nhất mới lên 10, được giao nhiệm vụ cho 2 em nhỏ ăn ngủ. Do các cháu còn quá nhỏ nên bà Ly đành phải khóa cửa nhốt các cháu trong nhà đề phòng kẻ gian vào nhà trong lúc bà đi vắng.

Được biết bà Ly có người con gái nhưng hai mẹ con không sống chung. Người con gái đi biệt tích từ lâu, đi đâu cũng không ai biết. Thỉnh thoảng có gọi điện về hỏi thăm, bà Ly gọi lại thì không liên lạc được. Lâu lâu, người con gái này của bà Ly và cháu gái bà cũng mang về cho bà một đứa cháu, để bà nuôi. Đến nay bà Ly đã nuôi 3 đứa cháu, chắt. Bố các cháu là ai thì bà Ly cũng chẳng rõ.

“Đứa lớn nhất tên Phạm Khánh Vy năm nay 10 tuổi. Đứa lớn thứ 2 năm nay 7 tuổi, tôi thường gọi là Vân. Cháu nó bị bệnh down không biết nói. Còn đứa nhỏ nhất tên Sam Bô, được 2 tuổi rưỡi. Hai đứa nhỏ chưa được khai sinh và đặt tên chính thức. Còn cả 3 đứa đến nay chưa một ngày được đến trường”, bà Ly nhìn về các cháu buồn rầu nói.

Về tới đầu ngõ, bà Ly cất tiếng chào khách từ phía xa. Nghe tiếng bà, 3 đứa trẻ hét lên vì vui sướng: “A! Bà đã về”. Cánh cửa sắt vừa mở ra, đứa lớn, đứa bé ôm chầm lấy bà rồi chạy ra đầu ngõ ngó nghiêng. “Cả buổi nhốt trong nhà cuồng chân nên lúc nào các cháu cũng muốn ra ngoài”, bà Ly nói.

Ước mơ nhỏ nhoi của người bà giữa lòng Thủ Đô

Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, bà Ly kéo từng đứa vào rửa mặt, lau người để hạ nhiệt cơ thể do nắng nóng.

Bà kể: “Trước đây bà có nhà ở quận Thanh Xuân. Đến năm 2014, chồng bà mắc bệnh ung thư khiến gia đình phải bán nhà để chữa trị bạo bệnh. Không còn nhà, tiền cũng cạn, bà đành mua lại một căn bếp cũ ở Phùng Khoang rộng chưa đầy 10 mét vuông làm chỗ ở đến nay nhưng hộ khẩu thường trú vẫn ở quận Thanh Xuân”.

Do những vướng mắc về thủ tục giấy tờ, nơi cư trú nên 3 đứa nhỏ đang ở với bà không làm được khai sinh. Cũng chính vì điều này các cháu cũng không được đến trường học.

“Tôi cũng đã hỏi để làm thủ tục nhưng cần rất nhiều giấy tờ, giờ tôi già rồi không đủ sức chạy để lo nữa. Chỉ thương các cháu sống mà không được đặt tên, muốn đi học mà không được đến trường”, bà Ly nghẹn ngào nói.

Khi hỏi về bố mẹ của 3 cháu nhỏ, bà Ly cố gạt đi những giọt nước mắt và nói: “Xấu hổ lắm. Tôi chẳng muốn kể làm gì”. 

“Hai đứa lớn mẹ chúng bỏ lại đây từ khi vài tháng tuổi. Còn đứa nhỏ nhất tên Ram Bô, Tết vừa rồi mẹ nó gọi điện bảo đem về gửi. Tôi trốn đi và nói về quê rồi. Vậy mà, nó mang sang gửi ở nhà hàng xóm. Tôi giận lắm, nhưng chẳng lẽ đều là cháu chắt mà mình lại không nuôi”, bà Ly nghẹn ngào nói.

Ở cái tuổi 68, bà Ly không còn mong ước về tiền bạc, vật chất cho cuộc sống của mình cả.

Tôi chỉ mong các cháu được đi học. Cháu Vân bị bệnh down nếu làm được giấy khai sinh thì trung tâm bảo trợ sẽ nhận. Còn bé Sam Bô tôi sẽ dành chút sức lực cuối cùng, tìm bằng được mẹ cháu về để chăm sóc”, bà Ly nói.

Kể từ khi để lại con cho bà Ly, mẹ của những đứa trẻ đi đâu không ai biết. Thỉnh thoảng có gọi điện về hỏi thăm, sau đó bà Ly gọi lại nhưng không liên lạc được. Đến giờ sống hay mất ra sao bà cũng không hề hay biết.

Đến giữa trưa 4 bà cháu ngồi quây quần bên mâm cơm đạm bạc chỉ có bát canh bí đỏ, bữa cơm diễn ra nhanh chóng chỉ trong 15 phút, ăn xong các cháu ra hiên nhà để tránh nóng.

Bé Khánh Vy chạy lại thì thầm với chúng tôi: “Cháu muốn được đi học lắm. Nghe các bác nói nếu đi học cháu phải học với các em 6 tuổi, cháu đồng ý ngay. Cháu được ông cụ Sơn (hàng xóm) tặng 1 chiếc áo dài và váy trắng hồi Tết, cháu vẫn để dành để khi nào được đi học thì mặc”.

Nghe cháu nói nhưng bà Ly đưa ánh mắt ra phía xa hình như lẫn tránh, bà chỉ mong muốn trước khi nhắm mắt có thể cho các cháu có nơi nương tựa cũng như đi học biết chữ với mọi người.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lụa, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, đối với trường hợp 4 bà cháu (1 cháu, 2 chắt) của nhà bà Ly rất phức tạp do bố mẹ các cháu không sinh sống trên địa bàn và cũng không biết họ ở đâu.

Bà Ly có chồng đã mất, bán nhà ở quận Thanh Xuân rồi sinh sống ở phường Trung Văn: “Khi chúng tôi đặt vấn đề thì bà Ly chỉ bảo ở tạm thôi. Tổ dân phố cũng nói ở tạm như thế cũng nên làm tạm trú tạm vắng thế nhưng bà Ly chưa làm dù sống tại phường nhiều năm”, bà Lụa thông tin.

Về trường hợp của cháu Vy (10 tuổi) mong muốn được đi học, bà Lụa cho biết, phía UBND phường cũng đã trực tiếp trao đổi với Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Văn tìm cách cho cháu được đi học vào năm học mới tới đây.

“Nếu giải quyết được giấy tờ vướng mắc thì nhà trường sẽ hỗ trợ cho cháu đi học, các cô cũng sẽ quyên góp giúp đỡ cháu”, bà Lụa chia sẻ.

Về hoàn cảnh hai cháu nhỏ còn lại, do cả hai không có giấy chứng sinh nên chính quyền địa phương không có cách nào giải quyết hai trường hợp này.

Không biết mai đây khi bà Ly già yếu ai sẽ là người chăm lo cho các cháu. Rồi ước mơ được mặc chiếc áo dài, bước chân vào lớp 1 của cô bé 10 tuổi có trở thành hiện thực hay không?

Nhìn những ánh mắt ngây thơ của các cháu mà thấy nhói lòng, các cháu vẫn chưa đủ lớn để nhận thức được hết về những thiệt thòi mà bản thân đang phải gánh chịu.

Hiện chính quyền địa phương mong muốn bố mẹ các cháu bé đến gặp mặt giải quyết các thủ tục giấy tờ cho các cháu để những ước mơ của 4 bà cháu sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nguồn: Tổng hợp