Sự hình thành của pháp luật sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa ở nước ta được đánh dấu bằng việc Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa, ban hành kèm theo Nghị định 197/HĐBT ngày 14 tháng 12 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 84/HĐBT ngày 20 tháng 03 năm 1990 về việc sửa đổi bổ sung Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật – hợp lý hoá sản xuất và sáng chế, Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá, Điều lệ về giải pháp hữu ích, Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp, Điều lệ về mua bán li-xăng.

Nghị định 197/HĐBT năm 1982

Đây là văn bản quy phạm pháp đầu tiên ở nước ta quy định chi tiết về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 197/HĐBT quy định:

“Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ pháp lý là những dấu hiệu được chấp nhận có thể là từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, hình nổi… hoặc là sự kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc kết hợp”. Do đó, điều kiện để một dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu hàng hóa theo khái niệm này đó là “dấu hiệu được chấp nhận…”.

Quy định này chưa thể hiện được chức năng quan trọng nhất của nhãn hiệu đó là chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các tổ chức, cá nhân khác nhau, đồng thời thuật ngữ “dấu hiệu được chấp nhận” trong khái niệm này không rõ ràng, gây khó hiểu cho các chủ sở hữu nhãn hiệu khi lựa chọn các dấu hiệu để đăng ký nhãn hiệu.

Pháp lệnh bảo hộ Sở hữu công nghiệp 1989

Đến ngày 28 tháng 1 năm 1989, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp. Tại khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh, khái niệm nhãn hiệu hàng hóa được quy định như sau:

“Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

Khái niệm này đã khắc phục được hạn chế của khái niệm trong Nghị định 197/HĐBT khi quy định về dấu hiệu phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của nhãn hiệu. Đây là quy định tiến bộ và còn được áp dụng ở các văn bản pháp luật sau này. Tuy nhiên, các dấu hiệu được quy định dùng làm nhãn hiệu hàng hóa còn rất hạn chế:

“có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

Pháp lệnh này cùng các văn bản khác đã đặt nền tảng cho một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng. Tuy nhiên, hệ thống các quy định nằm rải rác, tản mạn trong rất nhiều văn bản nhưng chủ yếu là các văn bản dưới luật, hiệu lực thi hành không cao, từ đó gây khó khăn cho cơ quan nhà nước cũng như cho người thi hành.

Bộ luật dân sự 1995

Đến năm 1995, pháp luật về nhãn hiệu đánh dấu sự thay đổi lớn khi Bộ luật dân sự ra đời. Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất tại Điều 785 BLDS 1995 như sau:

“Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

Khái niệm này tương tự như khái niệm quy định tại Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng khái niệm về nhãn hiệu hàng hóa quy định trong BLDS 1995 là khá phù hợp với khái niệm về nhãn hiệu trong Hiệp định TRIPs khi đưa ra hai nội dung:

1. Quy định nhãn hiệu hàng hoá là dấu hiệu

Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ có thể là từ ngữ, chữ cái, chữ số hoặc là sự kết hợp bất kì của hai hay nhiều yếu tố đó với nhau.

Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là tổ hợp màu sắc, các yếu tố hình họa của hàng hoá hoặc bao bì. Tức là dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể gắn liền với sản phẩm, dịch vụ bằng cách dán, in lên hàng hoá, trên bao bì hay là chính hình dạng của hàng hoá, hoặc dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể không cần gắn liền với hàng hoá, dịch vụ, đó là trường hợp doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm bằng băng rôn, truyền hình.

2. Chức năng của nhãn hiệu để phân biệt hàng hóa/dịch vụ cùng loại

Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (HĐTM) là một hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam ký kết với nước ngoài lần đầu tiên có ghi nhận và quy định quyền sở hữu trí tuệ trong một chương riêng (Chương II) với 18 điều, trong đó có Điều 6 đề cập cụ thể riêng về nhãn hiệu hàng hóa như sau:

Nhãn hiệu hàng hóa được cấu thành bởi dấu hiệu bất kỳ hoặc sự kết hợp bất kỳ của các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một người với hàng hóa hoặc dịch vụ của người khác, bao gồm từ ngữ, tên người, hình ảnh, chữ số, tổ hợp màu sắc, các yếu tố hình hoặc hình dạng của hàng hóa hoặc hình dạng của bao bì hàng hóa. Nhãn hiệu hàng hóa bao gồm nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.

Như vậy, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đưa ra khái niệm nhãn hiệu hàng hóa có tính xác định các loại dấu hiệu, nhưng đã được mở rộng hơn so với quy định của BLDS 1995. Ngoài ra, Hiệp định còn phân loại nhãn hiệu thành nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Trong khi BLDS 1995 chỉ đề cập đến nhãn hiệu hàng hóa, không chỉ rõ có bao gồm nhãn hiệu dịch vụ hay không và vấn đề này chỉ được quy định tại Điều 2.7 Nghị định 63/CP ban hành ngày 24/10/1996. Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa này đã thể hiện được tinh thần của Hiệp định TRIPs.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005

Có thể thấy các dấu hiệu được quy định dùng làm nhãn hiệu hàng hoá trong BLDS 1995 là rất hạn chế (từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó) so với các quy định phong phú và mở rộng của TRIPs (bất kì một dấu hiệu nào kể cả chữ cái, chữ số cũng được coi là dấu hiệu được bảo hộ). Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có ít sự lựa chọn hơn khi xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, họ không thể chọn các dấu hiệu nằm ngoài các dấu hiệu đã được liệt kê tại Điều 785 BLDS 1995.

Trong tình hình lúc bấy giờ của Việt Nam thì 3 loại dấu hiệu này có lẽ là khá phù hợp. Tuy nhiên trong tương lai với sự phát triển của nền kinh tế, khi mà các dấu hiệu ngày càng phong phú, các nhà sản xuất ngày càng mong muốn tìm kiếm các nhãn hiệu mới lạ, độc đáo, hấp dẫn cho các sản phẩm của mình để thu hút công chúng thì Việt Nam sẽ chưa thể bắt nhịp với thế giới. Đó là cơ sở để Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra đời vào năm 2005 và vẫn còn hiệu lực cho đến hiện tại.

Nguồn: Tổng hợp