Nói một cách khái quát nhất, nhóm các dấu hiệu (trong đó có nhãn hiệu) dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ này có thể giúp doanh nghiệp:

  1. Khẳng định uy tín;
  2. Tách biệt sản phẩm;
  3. Đẩy mạnh lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra;
  4. Tăng cường sự chung thủy của khách hàng;
  5. Hỗ trợ sự thích ứng với áp lực cạnh tranh;
  6. Phát huy khả năng.

Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ nhận thấy quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ là một quyền được Nhà nước bảo hộ mà chưa nhận thấy hầu hết quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ là một lợi thế cạnh tranh dành cho chính họ như sinh lợi; tăng thêm tiền thù lao qua chương trình li-xăng; tạo cơ sở cho franchise;

Xét dưới góc độ vốn, quyền sở hữu công nghiệp nói chung thuộc hình thức vốn vô hình của thương nhân. Đây là tài sản có giá trị lớn trong khối tài sản của doanh nghiệp. Chúng ta đã thấy có những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được định giá đến con số hàng tỷ USD như: Coca-Cola, Microsoft, IBM, General Electric, Intel, Nokia,…

Xét dưới góc độ thương mại, các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ là biểu trưng uy tín của doanh nghiệp, khẳng định vị trí của doanh nghiệp nhằm phân biệt doanh nghiệp đó với các doanh nghiệp khác. Thông qua các dấu hiệu đó thương nhân có thể tiếp cận thị trường và giao dịch thương mại. Chúng ta đã có những bài học xương máu về việc doanh nghiệp không nhạy bén dẫn đến việc bị mất nhãn hiệu trên một số thị trường lớn như EU, như Mỹ… những nhãn hiệu như cà phê Trung Nguyên… đã phải rất khó khăn mới lấy lại được nhãn hiệu của mình.

Hiện hình thức nhượng quyền, cho thuê, thuê tên thương mại đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đã xuất hiện những chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Burger, rồi KFC trên thị trường cả nước nhất là tại các thành phố lớn với sức tiêu thụ lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Đặc biệt một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường và tham gia vào việc chuyển nhượng thương hiệu của mình ở cả thị trường trong và ngoài nước như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, thời trang Nino Maxx,…

Hình thức này mang đến cho doanh nghiệp sự chủ động trong việc kinh doanh và phát triển nguồn tài sản vô hình nhưng có giá trị to lớn của mình và hiện tại ở nhiều nước phát triển trên thế giới hoạt động cho thuê một số đối tượng tài sản vô hình được điều chỉnh bởi các hợp đồng mang tên “franchise”.

Tuy nhiên, hiện nay, do chưa nhận thức một cách đầy đủ về giá trị của các dấu hiệu này mà các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa sử dụng được hết các quyền mà pháp luật đã dành bảo vệ cho họ. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp đã không những làm mất đi các lợi ích kinh tế chính đáng của mình, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp trên thương trường. Đây không chỉ là thiệt thòi cho bản thân doanh nghiệp mà còn là sự mất mát lớn đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, chúng ta không chỉ mất đi thương hiệu của doanh nghiệp mà thậm chí mất đi cả thương hiệu của cả quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp