Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, một nền tư pháp kiểu mới – nền tư pháp nhân dân – đã từng bước được thành lập. Trong giai đoạn đầu, hệ thống Tòa án còn rất đơn giản, chưa có Tòa án hành chính, chưa có các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, cùng với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, trước yêu cầu khách quan đặt ra là phải cải cách bộ máy nhà nước, song song với việc cải cách bộ máy nhà nước thì việc cải cách tư pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta phải thực hiện. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm là cải cách hành chính” đã chỉ rõ:

Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ, nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện, theo hướng việc xét xử sơ thẩm được thực hiện chủ yếu ở Tòa án cấp này. Tòa án cấp tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu xét xử giám đốc thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các Tòa án địa phương thực hiện xét xử thống nhất theo pháp luật. Hạn chế việc xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Nghiên cứu thành lập các Tòa chuyên môn…

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã chỉ rõ: “Xúc tiến thành lập Tòa hành chính trong Tòa án nhân dân, bổ sung thể chế làm căn cứ cho việc xét xử”.

Ngày 28-10-1995, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức TAND. Theo quy định của luật này, kể từ ngày 01-7-1996 TAND các cấp được giao nhiệm vụ xét xử những vụ án hành chính. Từ đó, trong cơ cấu tổ chức của TAND tối cao và TAND cấp tỉnh có thêm Toà hành chính; ở TAND cấp huyện không thành lập Toà hành chính mà việc xét xử các vụ án hành chính theo thẩm quyền do các thẩm phán của TAND cấp huyện đảm nhiệm.

Để bảo đảm việc giải quyết các vụ án hành chính được kịp thời, đúng pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, ngày 21-5-1996, ủy ban thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-1996 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh năm 1996).

Ngay từ khi Pháp lệnh được công bố thi hành đã được dư luận xã hội quan tâm, coi đây là một bước phát triển của cải cách tư pháp. TAND các cấp đã có nhiều cố gắng để giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hơn 2 năm thi hành, Pháp lệnh năm 1996 đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá X thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 25-12¬1998 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh năm 1998). Việc sửa đổi bổ sung Pháp lệnh này cho thấy sự quyết tâm thực hiện cải cách hành chính và cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không được quy định cụ thể trong các Pháp lệnh năm 1996 và Pháp lệnh năm 1998, mà được quy định trong rất nhiều nghị định do Chính phủ ban hành. Cho tới lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh năm 2006) mới pháp điển hóa và quy định cụ thể là TAND có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Trong quá trình thực hiện chức năng điều hành và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước có những quyết định hành chính, hành vi hành chính như:

  1. Cấp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN), Bằng bảo hộ giống cây trồng;
  2. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ;
  3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ,…

Trong trường hợp những quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TAND. Thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại TAND được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Cho tới nay, trải qua hơn 10 năm thi hành pháp luật về thủ tục tố tụng hành chính, cho thấy hoạt động của Tòa hành chính được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ, là một bằng chứng của cải cách tư pháp, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, tăng cường dân chủ, phát huy tác dụng trong việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động quản lý Nhà nước nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung. TAND là cơ quan quan trọng nhất trong việc thẩm định tính hợp pháp của các quyết định được ban hành bởi các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ khác.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp