Hai văn bản pháp luật quan trọng được ban hành liên quan một cách trực tiếp đến pháp luật về nhãn hiệu ở Liên Minh Châu Âu (EC) đó là Văn bản hướng dẫn năm 2008/95/EC về hài hòa pháp luật về nhãn hiệu của các quốc gia thành viên (thay thế cho văn bản 89/104/EEC ngày 21 tháng 12 năm 1988) và Quy định của Hội đồng số 207/2009 ngày 26 tháng 2 năm 2009 về nhãn hiệu cộng đồng (thay thế cho quy định số 40/94 ngày 20 tháng 12 năm 1993).

Văn bản hướng dẫn 2008/95/EC được ban hành không phải nhằm mục đích thống nhất tất cả các hệ thống pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa của các quốc gia. Mục đích của nó chỉ là hướng đến cố gắng làm giảm đi sự khác biệt giữa các hệ thống nhãn hiệu hàng hóa quốc gia là nguyên nhân gây ra những rào cản cho thương mại và ảnh hưởng đến sự lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ cũng như hạn chế sự phát triển của các thị trường đơn lẻ.

Quy định số 207/2009 của Hội đồng Châu Âu về nhãn hiệu cộng đồng (CTMR) cũng đưa ra những nguyên tắc chung nhất về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cộng đồng, và những phương thức và trình tự cụ thể của quá trình đăng ký và bảo hộ quốc tế đối với đối tượng này ở khu vực châu Âu sẽ được quy định bởi pháp luật quốc gia.

Tại Điều 2 Văn bản hướng dẫn 2008/95/EC thì nhãn hiệu được định nghĩa như sau: “Một nhãn hiệu có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng thể hiện dưới dạng đồ họa, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các phác họa hình ảnh, từ ngữ, các chữ số, hình dáng của hàng hóa hoặc của bao gói của hàng hóa mà các dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa hoặc dịch vụ của một chủ thể kinh doanh khác”.

Về cơ bản, các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của Liên Minh Châu Âu có sự kế thừa và phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPs, đó là thừa nhận các dấu hiệu truyền thống như từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa, đồng thời cũng có sự mở rộng, phát triển thêm những dấu hiệu mới có khả năng đáp ứng yêu cầu đăng ký nhãn hiệu như dấu hiệu âm thanh, hình ảnh ba chiều, màu sắc.

TRIPs chỉ rõ rằng chỉ riêng màu sắc không có sự kết hợp với từ ngữ, hình ảnh (trong tiếng Anh là “colour per se”) “có thể đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa”, mặc dù không nêu vấn đề bảo hộ đối với nhãn hiệu đơn sắc. Tuy nhiên, EC công nhận rằng: “thực chất một nhãn hiệu màu sắc là nhãn hiệu bao gồm một màu hoặc nhiều màu, bất kể nó có hình hoặc hình dạng nào đặc biệt” và có thể tạo thành nhãn hiệu hàng hóa. Điều này cho thấy phạm với bảo hộ nhãn hiệu ở Cộng đồng Châu Âu được mở rộng phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như nền kinh tế tại Liên minh Châu Âu.

Tại EC, nhãn hiệu màu đơn sắc đầu tiên được đăng ký năm 1999 cho màu hoa tử đinh hương – màu đỏ tía. Nhãn hiệu mùi không được đề cập trong luật nhãn hiệu hàng hóa của EC và cả trong hướng dẫn của Cơ quan hài hòa hóa thị trường nội địa OHIM (The Office for Harmonization in the Internal Market – đây là cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp có giá trị thi hành và bảo hộ trên toàn lãnh thổ EU, dưới sự quản lý của Uỷ ban Châu Âu). Thực tế cũng chỉ ra rằng rất khó để đăng ký dấu hiệu mùi như là nhãn hiệu hàng hóa. Năm 1999, lần đầu tiên Liên minh Châu Âu cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi cỏ tươi mới cắt cho bóng tennis.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp