Việc thực thi pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu ở Hoa Kỳ hiện nay chủ yếu dựa trên những quy định của Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa năm 1946 mà nó được biết đến với tên gọi Đạo luật Lanham và được sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong quá trình áp dụng.

Đạo luật Lanham quy định khái niệm nhãn hiệu tại phần 15 U.S.C. § 1127 như sau: “Nhãn hiệu bao gồm bất kỳ từ, tên gọi, biểu tượng hay hình vẽ, hoặc sự kết hợp giữa chúng mà – (1) được sử dụng bởi một người, hoặc (2) được một người có ý định trung thực là sử dụng nó trong thương mại và xin đăng ký theo luật này – để xác định và phân biệt hàng hóa của người đó, bao gồm các hàng hóa cụ thể với những hàng hóa cùng loại được sản xuất hoặc được bán bởi những người khác và để chỉ rõ nguồn gốc của hàng hóa thậm chí khi mà không xác định được nguồn gốc đó”.

Như vậy, cả dấu hiệu được dùng hoặc có ý định dùng trong hoạt động thương mại nhằm xác định mối quan hệ giữa hàng hóa, dịch vụ với người có quyền sử dụng dấu hiệu đó đều được đăng ký làm nhãn hiệu. Theo khái niệm này, pháp luật Hoa kỳ cũng chỉ coi những yếu tố phổ biến như từ, tên gọi, biểu tượng, hình vẽ và sự kết hợp giữa chúng mới có khả năng đăng ký làm nhãn hiệu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới trong nhiều lĩnh vực trong đó có bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, vì thế, trong quá trình thực thi, để theo kịp với trình độ phát triển của đất nước, luật Lanham đã được sửa đổi nhiều lần.

Theo mục 15 U.S.C. §1052 Luật nhãn hiệu hàng hóa 1946 thì: “không có nhãn hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa của người nộp đơn với hàng hóa của những người khác lại bị từ chối đăng ký vào sổ đăng ký…”. Vận dụng quy định của điều luật này, những yếu tố mới như âm thanh, mùi đã được đăng ký làm nhãn hiệu tại Hoa Kỳ. Quy định có tính mở trên đây là hoàn toàn phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Hoa Kỳ và đòi hỏi thực tế.

Tóm lại, qua tìm hiểu khái niệm nhãn hiệu trong Hiệp định TRIPs cũng như pháp luật của Cộng đồng Châu Âu và Hoa kỳ có thể thấy rằng: Luật pháp quốc tế và các nước đều xác định rõ nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa hoặc dịch vụ của một chủ thể kinh doanh khác. Đây là dấu hiệu quan trọng để nhãn hiệu thực hiện chức năng của mình, tránh sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi nhãn hiệu được đưa ra thị trường.

Việc phân tích và so sánh khái niệm nhãn hiệu hàng hóa theo quy định của các Điều ước quốc tế và các nước trên thế giới là rất cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu, giúp các nhà làm luật trong việc phân tích và xây dựng, đổi mới chính sách, pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp