Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là một trong số 16 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. WIPO có trụ sở ở Géneve, Thụy Sĩ, được thành lập năm 1967 với mục tiêu là:

  • Thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới;
  • Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ;
  • Khuyến khích việc ký kết các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ;
  • Giúp cho việc hiện đại hóa pháp luật quốc gia các nước thành viên;
  • Quản lý các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ;

Theo định nghĩa của WIPO, nhãn hiệu hàng hóa là:

Dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp công nghiệp hoặc thương mại hoặc của một nhóm các doanh nghiệp đó. Dấu hiệu này có thể là một hoặc nhiều từ ngữ, chữ, số, hình, hình ảnh, biểu tượng, màu sắc hoặc sự kết hợp các màu sắc, hình thức hoặc sự trình bày đặc biệt trên bao bì, bao gói sản phẩm. Dấu hiệu này có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố nói trên.

Định nghĩa nhãn hiệu hàng hóa trên đây của WIPO xác định các yếu tố và bản chất của nhãn hiệu hàng hóa. Định nghĩa này đã được WTO tiếp thu, kế thừa và thể hiện trong Hiệp định TRIPs – là hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 15 của Hiệp định TRIPS có quy định:

Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp các màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa.

Phân tích khái niệm trên của Hiệp định TRIPS/WTO thì nhãn hiệu hàng hóa có các yếu tố như:

  • Một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào đó có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác;
  • Các dấu hiệu đó có thể là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp các màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó…;
  • Các dấu hiệu đó phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa.

Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa trong pháp luật quốc tế thường được quy định một cách khái quát, chung chung, mang tầm vĩ mô. Việc xác định một đối tượng nào đó bất kỳ có phải là nhãn hiệu hàng hóa hay không thì người ta sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng của nó và bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa này với hàng hóa khác thì đều có thể xem là yếu tố cấu tạo nên một nhãn hiệu hàng hóa.

Hiệp định TRIPS/WTO xuất phát từ cách tiếp cận mục đích sử dụng của dấu hiệu đó để phân biệt “hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp khác”. Đây là phương pháp tiếp cận chung nhất của các nước thành viên Hiệp định TRIPS về nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, Hiệp định này vẫn dành cho các nước thành viên được quyền có cách tiếp cận riêng liên quan đến các yếu tố có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp.

Xem thêm:

Nguồn: Tổng hợp